[Đà Nẵng] Khai thác hiệu quả các sự kiện, lễ hội để phát triển du lịch trên ‘con đường di sản miền Trung’

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh.

Hút khách nhờ những sự kiện tầm quốc tế

Chiều 8/10, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Chi hội Lữ hành Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế”. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Đà Nẵng 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lập Chi hội Lữ hành Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế là một điểm sáng liên kết địa phương trong việc xác định bản nguyên, hình thành sản phẩm, triển khai hoạt động xúc tiến du lịch. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm qua, đáng chú ý, riêng năm 2019 thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế.

“Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực điểm đến đa dạng về sản phẩm du lịch, phối hợp phong phú, tạo lợi thế và khác biệt cho điểm đến, có năng lực cạnh tranh rất cao trong khu vực ASEAN.

Chúng tôi đã phát huy giá trị sự kiện và lễ hội trong nhiều năm qua, minh chứng cụ thể là Đà Nẵng đã 2 lần được tổ chức giải thưởng du lịch thế giới công nhận là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Festival and Event Destination) vào năm 2016 và 2022″, ông Dũng nói.

Hội thảo “Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế”. Ảnh: Đ.H.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, thời gian qua, 3 địa phương có nhiều sự kiện nổi bật lớn để thu hút khách. Riêng với Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động du lịch Đà Nẵng đã tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022, tiếp đó là chuỗi sự kiện như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng mùa hè; Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng…

“Nhờ các sự kiện được tổ chức thường xuyên, liên tục Đà Nẵng đã 2 lần được vinh danh là Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng”, ông Bình nói và cho biết, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quảng bá điểm đến Đà Nẵng.

Tương tự, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, một dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế. Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2000 đến nay Festival Huế đã tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế.

Cùng với rất nhiều lễ hội và Festival, tại Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên diễn ra các sự kiện từ quốc tế đến quốc gia và địa phương. Từ những hoạt động này đã kéo theo số lượng lớn người tham gia từ nhiều nơi về địa phương và thu hút sự quan tâm của người dân, cộng đồng và giới truyền thông về sự kiện cũng như địa phương tổ chức (điểm đến).

Qua đó góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh địa phương mạnh mẽ hơn, gia tăng lượng khách đến lưu trú, tham quan khi tham gia sự kiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch cho địa phương.

Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế thu hút khách nhờ nhiều lễ hội, sự kiện. Ảnh: T.V.

Khai thác sự kiện, lễ hội để phát triển du lịch?

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch tại 3 tỉnh, thành phố miền Trung đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á, với khoảng 20 – 25 triệu lượt khách du lịch/năm trong giai đoạn 2016 – 2019.

Các địa phương này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch: con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận; hệ thống giao thông thuận lợi…

Tuy nhiên, ông Siêu nhìn nhận, du lịch của 3 tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.

Bên cạnh đó, hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu của khách du lịch… điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy giá trị sự kiện, lễ hội trong phát triển du lịch.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

Để phát triển, ông Siêu cho rằng, Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách.

Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch.

Và điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.

“Với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế sẽ có thêm sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng – tâm linh đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng”, ông Siêu nói.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Thông, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đề xuất, cần chú trọng khai thác lợi thế hiện có; chú trọng khai thác du lịch đường thủy, đường sông và đường biển; xác định lễ hội hạt nhân, chú trọng gắn kết với nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa khác cùng chung sắc thái văn hóa truyền thống để tạo nên chuỗi lễ hội, sự kiện, cả những sinh hoạt văn hóa trong không gian địa lý rộng mở và không gian văn hóa – lịch sử đa dạng.

“Lễ hội còn phải được đặt trong bối cảnh, không gian vốn có và thực hành qua thời gian dài; đồng thời bảo đảm chủ thể sáng tạo và thực hành di sản cũng như tất cả mọi đối tượng tham gia vào hoạt động khai thác”, TS. Lê Xuân Thông đề xuất.

Theo Báo Nhà Đầu Tư