Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thông tin một số thành tựu về kinh tế của Đà Nẵng thời gian qua: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước; GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương hơn 4.300 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021.
So với 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô trong vùng.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q
Những kết quả đạt được này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 3-2023, trên địa bàn thành phố có 980 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 4,062 tỷ USD.
Lũy kế đến tháng 3-2023, thành phố thu hút 516 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung – giai đoạn 1 và 6 khu công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, nâng cao tính cạnh tranh để hội nhập khu vực và quốc tế.
Nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, thể hiện ở việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tăng trưởng xuất khẩu.
Song song đó cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhờ vậy mà mô hình quản trị và phương thức kinh doanh cũng được cải tiến.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế…
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Thành phố tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là Khu Công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau dịch bệnh. Thành phố phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu Công nghệ cao đạt tối thiểu 10-15% giai đoạn 2025-2030.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng tiếp cận theo sát xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay, thành phố ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kỳ vọng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư vấn sẽ trở thành “cánh tay nối dài” và là đối tác đầy hiệu quả của thành phố trong xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối Đà Nẵng với cộng đồng các doanh nghiệp thành viên, các nhà đầu tư có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định. Thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố.
Để tăng tính kết nối trong thời gian tới, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng Công ty CP Long Hậu ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ về việc tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao cho Đà Nẵng.
Cũng trong chương trình, Công ty CP Long Hậu ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Nakano Precision về việc cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại Khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu, thuộc Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.