[Đà Nẵng] Hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, ngành hải quan thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thu hút đầu tư, gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh trên địa bàn thành phố.
Ngành hải quan thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thu hút đầu tư, gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động xuất, nhập khẩu tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Ngày 12-5, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định gia hạn áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên đối với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ trong 3 năm kể từ ngày ký. Như vậy, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ tiếp tục là 1 trong 75 doanh nghiệp ưu tiên trên cả nước khi đáp ứng nhiều điều kiện: doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên; doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên… Ngoài ra, doanh nghiệp còn đáp ứng các điều kiện khác như: tuân thủ pháp luật về hải quan, thuế; hệ thống kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Cũng trong tháng 5, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là 1 trong 8 doanh nghiệp tham gia chương trình “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng” giai đoạn 1 nhờ đáp ứng các điều kiện: có hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn thành phố; số lượng tờ khai hải quan hoặc kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn; số tiền nộp thuế xuất, nhập khẩu lớn.
Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, việc tham gia chương trình của Cục Hải quan Đà Nẵng và tiếp tục được Tổng cục Hải quan gia hạn doanh nghiệp ưu tiên từ năm 2018 đến nay giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó giảm chi phí về thủ tục hành chính, giảm chi phí nhân sự, giảm chi phí miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa và giảm các chi phí khác (lưu container, soi container hàng tại cảng).
Những ưu đãi nêu trên góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo được uy tín với khách hàng, qua đó, lợi nhuận sau thuế quý 1-2024 của doanh nghiệp đạt 44,5 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Cũng vào giữa tháng 5 vừa qua, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) ký kết hợp đồng với Công ty Oceanside One Trading, một doanh nghiệp ngành lốp tại Brazil. Thông qua hợp đồng này, hai bên đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Brazil từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD/năm.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc DRC cho biết, thị trường Brazil sẽ giúp DRC tăng mạnh công suất hoạt động của nhà máy lốp PCR lên mức 75-84% trong năm nay và đạt 100% vào năm sau. Đối với thị trường Hoa Kỳ, DRC đang là đơn vị xuất khẩu lốp TBR (lốp radial xe tải và xe buýt) của Việt Nam lớn nhất vào thị trường. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới thì việc thông quan hàng hóa nhanh chóng là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, cơ quan hải quan luôn chủ động hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính linh hoạt, giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa, vật tư đúng kế hoạch.
Đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng và Công ty CP Cao su Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ tham gia chương trình “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng”. Ảnh: M.Q |
Nhằm cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng” đã được Cục Hải quan triển khai. Theo đó, doanh nghiệp tham gia được bố trí công chức chuyên trách hướng dẫn trước khi thực hiện thủ tục hải quan; được bố trí công chức làm ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ để giải quyết thủ tục hải quan theo đề nghị; hỗ trợ cảnh báo các lỗi, sai sót trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu để thành viên kịp thời khắc phục, điều chỉnh, khai bổ sung theo quy định của pháp luật; được áp dụng 100% thủ tục hành chính đã công bố trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan; hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống, phần mềm khai báo…
Ông Dương Đức Xuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng thông tin, trước khi triển khai chương trình, Cục Hải quan đã làm việc với Cảng Đà Nẵng để thống nhất một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trước, trong và sau thông quan, hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ cũng như công tác ưu tiên bố trí khu vực xếp dỡ hàng dễ lấy, dễ bốc dỡ; phí lưu kho bãi, thời gian tính phí lưu kho bãi lần 2. Có thể nói, ngành hải quan thành phố đã thể hiện sự chủ động, làm việc với nhiều đơn vị liên quan trước khi triển khai chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất.
Theo ông Quách Đăng Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng, bên cạnh triển khai chương trình trên, Cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện “cắt giảm chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, cơ bản chuyển đổi sang chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử”; tiếp tục tiếp nhận giấy phép điện tử và kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với một số bộ, ngành; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại ASEAN…
Đồng thời, Cục Hải quan tập trung vào 6 nhóm chuyển đổi trong mối quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp: phương pháp tiếp cận; mở rộng phạm vi, thành phần tham gia; cách thức tổ chức hoạt động; nội dung tổ chức quan hệ đối tác; chuyển đổi số; cách thức theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quan hệ đối tác. Trước mắt, cục đề nghị các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2 để được hỗ trợ tốt nhất.