Với diện tích tự nhiên chỉ 1.285 km2, bằng 1/8 so với tỉnh Quảng Nam kế bên, lại nằm ven sông, ven biển, về lý thuyết Đà Nẵng ít có khả năng ngập kéo dài dù mưa lớn. Tuy nhiên, tháng 10/2022 thành phố trải qua trận ngập lụt lịch sử, nước dâng cao 1-2 m làm 4 người chết, hơn 200.000 hộ dân bị mất điện.
Chiều tối 10/9, sau cơn mưa 100 mm trong hai giờ, hàng loạt khu vực, tuyến đường ở trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Hùng Vương, Hàm Nghi… cũng ngập nặng, có nơi sâu 0,5-0,7 m. Hàng trăm xe chết máy dọc đường, phải bì bõm dắt về nhà. Giao thông hỗn loạn. Đến hơn 20h, nước mới rút hết.
Hàng loạt phương tiện của người dân bị chết máy khi đi qua tuyến đường Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám bị ngập, tối 10/9. Ảnh: Nguyễn Đông
Lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và nhiều chuyên gia quy hoạch từng chỉ ra ngập úng ở Đà Nẵng ngoài nguyên nhân khách quan mưa lớn, triều cường dâng cao, còn do hệ thống thoát nước sau hơn 25 năm chỉnh trang đô thị đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ. Một số rốn lũ chưa khớp nối hạ tầng thoát nước. Bêtông hóa đô thị ngày càng nhiều đã làm giảm diện tích thấm nước.
Những con đường trung tâm kín nhà cửa, không còn diện tích đặt thùng chứa rác sinh hoạt, dẫn đến việc nhiều người tập kết rác trên vỉa hè, chờ công nhân đi thu gom theo giờ. Mưa bất ngờ, rác chảy xuống cống thoát nước.
Tổng rà soát các điểm ngập úng
Nhằm khắc phục tình trạng ngập úng, nhất là khi bước vào mùa mưa, ngày 12/9 lãnh đạo Sở Xây dựng cùng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã kiểm tra các cửa thu và hệ thống cống thoát nước mưa tại ngã tư Hoàng Hoa Thám giao Lê Duẩn, quận Thanh Khê để tìm nguyên nhân ngập úng chiều tối 10/9.
Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng, ví điểm ngập Hoàng Hoa Thám tương tự ở Đà Lạt, vì khu vực này vốn địa hình cao, dọc tuyến đường Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám mới nâng cấp hơn 120 cửa thu đứng, nhưng “không hiểu vì sao” khi mưa lớn nước vẫn không thoát kịp.
Một cửa thu trên đường Hoàng Hoa Thám bị người dân bịt lại, gây khó khăn thoát nước mưa; phía trên vỉa hè là rác thải tập kết. Ảnh: Nguyễn Đông
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cho biết khu vực này có hướng thoát nước chính về tuyến cống Hoàng Hoa Thám – Ông Ích Khiêm. Tuy nhiên, mực nước trong cống Hoàng Hoa Thám ở mức cao, hạ tầng ngầm đi trong cống quá nhiều là những nguyên nhân ảnh hưởng để khả năng thoát nước.
Trước mắt, Sở Xây dựng yêu cầu công ty cắt cử người trực để khơi thông thoát nước và vệ sinh cửa thu tại khu vực Hoàng Hoa Thám, đồng thời vận động người dân không dùng vật dụng che chắn cửa thu (do mùa khô cửa thu có mùi hôi nên người dân chặn lại), thu gom rác khi trời mưa.
Theo ông Võ Tấn Hà, ngoài điểm ngập úng nêu trên, Sở đã thống kê trên địa bàn thành phố còn khoảng 9 điểm thường xuyên ngập kéo dài. Trong đó, đa số điểm ngập úng chậm triển khai thi công hệ thống đường ống do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm, một số dự án phải điều chỉnh nguồn vốn.
“Chúng tôi sẽ phối hợp UBND các quận, huyện, các ban quản lý dự án, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải rà soát toàn bộ điểm ngập úng trong các trận mưa lớn năm 2022 để nghiên cứu, đề xuất giải pháp thoát nước phù hợp, từng bước giải quyết căn cơ vấn đề ngập úng đô thị trên địa bàn thành phố”, ông Hà nói.
Xây dựng bản đồ theo dõi mưa, ngập
Trong văn bản tham mưu UBND TP Đà Nẵng mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (là đơn vị tổ chức lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt) phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng bản đồ ngập úng và hệ thống cảnh báo ngập úng trên địa bàn thành phố.
Theo ông Võ Tấn Hà, hiện nay thành phố đã phát triển ứng dụng công dân số Danang Smart City. Do đó, khi bản đồ theo dõi mưa, khu vực ngập nước được xây dựng, thành phố có thể tích hợp lên hệ thống này để người dân có thể theo dõi và chủ động ứng phó, di chuyển tránh những đoạn đường ngập sâu.
Do tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan ngày càng nhiều, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị trong quá trình lập quy hoạch phân khu cần ưu tiên dành quỹ đất bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết.
Người dân bì bõm lội nước tại khu vực đường Hùng Vương và Hàm Nghi (gần hồ điều tiết Thạc Gián), tối 10/9. Ảnh: Nguyễn Đông
Từ đầu năm đến nay, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã nạo vét khoảng 3.200 m3 bùn. Thành phố cũng đang thi công dự án thoát nước tại 6/9 điểm thường xuyên ngập kéo dài; chuẩn bị đầu tư dự án xử lý thoát nước khu vực quanh sân bay bay quốc tế, cải tạo các tuyến cống thoát nước nhiều khu vực nội đô…
Sở Xây dựng cho biết giải pháp trước mắt là thực hiện hiệu việc quả nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các kênh mương và cửa thu trước nhà dân để thoát nước tối đa; bố trí nhân lực thường xuyên tại các trạm bơm chống ngập để xử lý tình huống kịp thời; chuẩn bị máy bơm di động để xử lý ngập úng cục bộ tại các khu dân cư thấp trũng.
Các dự án, công trình đang thi công phải bố trí nhân viên trực để phát hiện, xử lý thoát nước tạm thời tại các khu vực đang thi công dang dở, chưa đấu nối thoát nước hoàn chỉnh. Các hồ điều tiết phải hạ mực nước xuống thấp nhất để dự trữ dung tích, kịp thu gom nước cho các khu vực dân cư lân cận khi trời mưa lớn.
“Về lâu dài, Đà Nẵng cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước toàn thành phố; xây dựng kịch bản ứng phó ngập úng đô thị nhằm tăng cường tính chủ động trong ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn”, ông Hà nói thêm.