[Đà Nẵng] Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Năm 2024, ngành giao thông thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, qua đó, mở rộng liên kết vùng, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế – xã hội bền vững theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Một góc cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN
Một góc cầu vượt khác mức ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN

Dấu ấn hạ tầng giao thông

Cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 2.694 tuyến đường với tổng chiều dài 1.554,4km; trong đó cao tốc 37,9km; quốc lộ 120,9km; đường tỉnh 68,7 km; đường đô thị 1.171,9km; đường huyện, xã 110,7km và chuyên dùng 43,9km (chưa tính đường kiệt, hẻm và đường giao thông nông thôn) và 75 cầu với tổng chiều dài 15.075,4m; 3 bãi đỗ xe thông minh với 297 chỗ đỗ; 23 bãi đỗ xe tạm, với diện tích 72.509m2/3.020 chỗ đỗ; 187 vịnh đỗ xe trên các tuyến đường, với tổng diện tích đỗ xe khoảng 42.706m2, 1.710 chỗ đỗ.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bùi Hồng Trung, thành phố đã và đang triển khai hàng trăm dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông kết nối các trung tâm, đầu mối khu, cụm công nghiệp và liên kết vùng… Nhiều dự án trong số đó sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thu hút đầu tư. Năm 2024, ngành GTVT đôn đốc thực hiện các kế hoạch và chương trình của Thành ủy về “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”, trong đó phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ logistics Hòa Nhơn tại huyện Hòa Vang, xúc tiến kêu gọi đầu tư khu logistics trong Khu Công nghệ cao; cảng cạn Hòa Nhơn; bến cảng Liên Chiểu, ga hàng hóa Kim Liên.

Ngành đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm liên kết vùng gắn với việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của các cấp về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan triển khai thi công có hiệu quả dự án tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan; quốc lộ 14B (đoạn qua địa bàn thành phố); tiếp tục phối hợp đề xuất triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D, 14G, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Kon Tum, nút giao thông Túy Loan…

Các công trình giao thông động lực, trọng điểm trên địa bàn thành phố cần được đẩy nhanh như dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Phần cơ sở hạ tầng dùng chung), cầu Quảng Đà và đường dẫn hai đầu cầu, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Trục 1 tây bắc…

Hiện, ngành giao thông cũng lên kế hoạch triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi các dự án giao thông trọng điểm như các trục giao thông chính: di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố, tuyến hầm qua sân bay kết nối đông – tây, hầm qua sông Hàn, trục Vành đai 1, Vành đai 2, cụm nút giao thông đầu cầu Hòa Xuân, nút giao nối đường ĐT 601 với tuyến La Sơn – Túy Loan…; triển khai đầu tư các bãi đỗ xe, các bến thủy nội địa và hoàn thiện các thủ tục đấu giá các bãi đỗ xe tại số 51A Lý Tự Trọng, 172 Nguyễn Chí Thanh, các bến thủy nội địa, cầu tàu điểm dừng hiện có và theo quy hoạch dọc theo sông Hàn, sông Cu Đê…

Tiếp tục đầu tư theo quy hoạch

Thực tế, hạ tầng giao thông có sứ mệnh đi trước mở đường để khai mở nền kinh tế và khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư. Nhờ đó, giúp mở rộng không gian đô thị, tạo động lực to lớn giúp kinh tế Đà Nẵng có những bước phát triển ngoạn mục. Trong năm 2023, và những năm gần đây, Đà Nẵng đã triển khai thi công và hoàn thành rất nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong đó, việc khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu là những công trình trọng điểm, động lực của thành phố. Trong tương lai, các dự án này sẽ được kết nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc đi qua địa bàn tạo nên hệ thống giao thông liên vùng…

Được biết, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 2-11-2023, đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ có hệ thống giao thông đối ngoại, nội thị đồng bộ và tiếp tục nâng cấp mở rộng trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, thành phố sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông mang tính dấu ấn. Trước hết, các tuyến đường huyết mạch được đẩy mạnh đầu tư như tuyến cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; nâng cấp đường cao tốc La Sơn – Túy Loan; quốc lộ 14B thuộc địa phận Đà Nẵng quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe…
Về mạng lưới đường đô thị sẽ nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên sân bay kết nối phía đông và phía tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh nam hầm Hải Vân – Túy Loan… tạo thành trục chính kết nối đông – tây.

Ở lĩnh vực giao thông công cộng, thành phố sẽ xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc – Nam để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD. Đồng thời, xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho hay, thời gian tới ngành tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Trong đó, tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công dự án đã được phê duyệt, cũng như phối hợp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện tiến độ các công trình giao thông động lực, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách…

Theo Báo Đà Nẵng