Công nghệ số: Giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành tại Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng kinh tế với công nghệ số trong lĩnh vực sản xuất”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế – xã hội đã có nhiều dấu hiệu tích cực như: khách quốc tế đến Việt Nam tăng 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD, đầu tư công được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3%; số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng … tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hạ còn 6,3%.
“Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất không thể ngồi yên chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước mà phải tự cải tiến và sáng tạo để vượt qua khó khăn và công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành khẳng định.
Cũng theo ông Võ Tân Thành, công nghê số có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thu hút khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện có.
Ông cho biết, công nghệ số có thể mang lại những lợi ích sau cho các doanh nghiệp sản xuất: Một là, tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thiết kế, đặt hàng, nhập kho, gia công, lắp ráp, kiểm tra chất lượng đến giao hàng cho khách hàng.
Hai là, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để giảm lãng phí và tăng năng suất.
Ba là, nâng cao khả năng linh hoạt và thích ứng với thị trường và nhu cầu của khách hàng bằng cách áp dụng các phương pháp sản xuất linh hoạt .
Bốn là, tận dụng các công nghệ mới như Kết nối Internet vạn vật (IoT ), trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) hay điện toán đám mây….để thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định và cải tiến liên tục.
Năm là, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng bằng cách tập trung vào chất lượng, tính năng và trải nghiệm của người dùng.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất, do đó, VCCI HCM đã phối hợp với Tập đoàn Epicor xây dựng Dự án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số thành công trong năm 2023. Dự án này bao gồm chuỗi hoạt động các hội thảo, talkshows và các khóa đào tạo về nhận thức và kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ được hưởng những ưu như: Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với các kiến thức mới nhất về công nghê số trong lĩnh vực sản xuất từ các chuyên gia của Epicor; Được tư vấn miễn phí về việc xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được thử nghiệm và sử dụng các giải pháp công nghệ số của Epicor với mức giá ưu đãi. Và được tham gia vào cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác kinh doanh.
Với những lợi ích trên, ông Thành mong muốn các doanh nghiệp sẽ quan tâm và tham gia vào Dự án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số của VCCI HCM và Epicor. Ông tin rằng, với sự hỗ trợ của Dự án này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có thể vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong thời đại số.