Tổng cục Thống kê khuyến nghị những giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế cuối năm?
Trong bối cảnh tăng tưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ được cải thiện, Tổng Cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình này.
Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp trong quý III là tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng kinh tế
Nông lâm thuỷ sản là “bệ đỡ” tăng trưởng
Tính chung 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 4,24%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp xây dựng tăng 2,41% (riêng công nghiệp tăng 1,65%) và dịch vụ tăng 6,32%.
Theo đại diện Tổng Cục Thống kê, nhìn chung, đóng góp cho mức tăng trưởng 4,39% của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua chủ yếu vẫn từ khu vực dịch vụ với 3,01 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I, đóng góp 0,98 điểm % và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,40 điểm %.
“Sự phục hồi tuy còn yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III tiếp tục là tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm”, đại diện Tổng Cục Thống kê cho hay.
Đại diện Tổng Cục Thống kê cũng phân tích, kết quả tăng trưởng 9 tháng được đóng góp và hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi:
Khu vực I (nông lâm thuỷ sản) tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.
Khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4 đã kích cầu tiêu dùng gia tăng, từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được phục hồi, chỉ số PMI của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 trong tháng 8/2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50).
Vượt qua thách thức, hoàn thành cao nhất mục tiêu năm
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, một số khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng năm 2023. Trong đó, cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.
Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp…
Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Thu hút FDI chưa thực sự hiệu quả và bền vững.
Trên cơ sở các nhận định trên, đại diện Tổng Cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo nhiệm vụ Quốc hội giao, Tổng Cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp.
Theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư. Phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn…
Sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng của người dân.
Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới. Tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản; tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.