Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương năm 2023 (PII – Provincial Innovation Index) được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hôm qua, sau một năm xây dựng. Bộ chỉ số cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Hà Nội dẫn đầu về PII 2023, đạt 62,86 điểm. Theo sau là TP HCM (55,9 điểm), Hải Phòng (52,3), Đà Nẵng (50,7), Cần Thơ (49,7), Bắc Ninh (49,2), Bà Rịa – Vũng Tàu (49,2), Bình Dương (48,6), Quảng Ninh (48) và Thái Nguyên (47,8).
Điểm chung của các địa phương này là quy mô lớn, có kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, hạ tầng hoàn thiện, vốn con người cùng số lượng doanh nghiệp dồi dào.
Thực tế, một nửa trong số này là thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) – khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Số còn lại là địa phương có công nghiệp phát triển – nơi thu hút, tập trung các khu công nghiệp lớn của cả nước. Vì thế, các chính sách hỗ trợ thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự, đổi mới sáng tạo.
“Một bộ đo đếm mới sẽ giúp các địa phương có động lực lớn hơn cho hành động”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách & Phát triển truyền thông (IPS) nói. Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với đòi hỏi cấp bách về đổi mới sáng tạo, còn quỹ thời gian tận dụng những lợi thế sẵn có, ví dụ dân số vàng, ngày càng ngắn.
Tuy nhiên, xét theo đặc thù, mỗi địa phương có điểm nhấn riêng khi được đo đếm bằng PII. Đơn cử, với Hà Nội, thành phố đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm. Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm đầu cả nước.
Hiện, thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Thành phố cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
Thực tế, Thủ đô trước đó xác định phát triển khoa học công nghệ, gồm hệ sinh thái khởi nghiệp, là một trong những đột phá để đưa nơi đây thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu vào 2025 và đón dòng vốn từ lĩnh vực bán dẫn.
“Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn đầy tiềm năng và đang là xu thế quan trọng của kinh tế thế giới”, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba), cho biết.
Trong khi đó, TP HCM ghi nhận điểm số tuyệt đối ở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số và tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 2.000 startup, được đánh giá là năng động nhất cả nước. Nhưng theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, 95% doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ, siêu nhỏ, cần các chính sách thúc đẩy tái khởi nghiệp.
“Trước nay thói quen của họ là có bao nhiêu làm bấy nhiêu, cần thêm thì đi vay, chứ không kêu gọi đầu tư, đổi mới”, ông Dũng nói, và nhìn nhận đây là “hòn đá lớn cản chân doanh nghiệp bước xa hơn”.
Nhưng trong đổi mới sáng tạo, kỹ thuật chỉ là một yếu tố. Tái cấu trúc sản xuất, quản trị, nâng cao năng suất lao động mới là trợ lực chính giúp doanh nghiệp cải thiện kinh doanh. Vì thế, ngoài cơ chế “ươm mầm” cho startup, thu hút đầu tư dự án lớn, một phần không nhỏ không gian chính sách, nguồn lực được thành phố này dồn cho doanh nghiệp, để họ tạo ra mô hình, cách tiếp cận phát triển mới.
“Nhiều công ty đã chuyển biến. Họ cảm ơn và nói rằng các chương trình hỗ trợ giúp họ khai mở, đưa ra chiến lược phát triển dài hơi hơn”, ông Dũng chia sẻ với VnExpress.
Điểm nhấn nữa của TP HCM là cơ sở hạ tầng số. Dựa trên nền tảng quốc gia, thành phố có chiến lược riêng cho mình khi phát triển data center cho chính quyền, hay đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao, từng bước kết nối các trường đại học lớn.
Thành phố cũng phối hợp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước (FPT, Viettel…) và thế giới (Microsoft, Google, Amazon) để họ cung cấp hạ tầng số. Điều này cũng tạo hạ tầng mềm giúp doanh nghiệp khởi sự, sáng tạo.
Nhìn lại, ông Dũng nói, sau gần 10 năm, từ điểm xuất phát gần như con số 0, TP HCM hiện có vị trí tương đối cao trong bảng xếp hạng các thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động toàn cầu, thứ 113/1.000.
TP HCM luôn chiếm hơn 50% số lượng startup, dòng vốn đầu tư mạo hiểm của cả nước. Địa phương cũng là nơi ươm tạo, thử nghiệm ý tưởng, dịch vụ mới. 40% doanh nghiệp tại đây có hoạt động đổi mới sáng tạo, ông nói thêm.
Còn tại Hải Phòng, điểm nhấn của địa phương nằm ở chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế – xã hội. Thành phố cũng được đánh giá cao về cải cách hành chính, vốn lao động.
“Chúng tôi quan niệm cả hệ thống chính quyền phải chủ động trong cải cách hành chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh”, ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nói với VnExpress.
Giáo dục, khoa học công nghệ là những lĩnh vực được nhà chức trách mạnh tay chi đầu tư, phát triển. Ông Cường nói, việc chi cho các đề tài nghiên cứu được đẩy “đến ngưỡng”, không còn tình trạng “đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt như trước”.
Để đáp ứng nguồn nhân lực, với 1,2 triệu lao động, lãnh đạo Hải Phòng cho hay kinh nghiệm của họ là đào tạo theo nhu cầu của nhà đầu tư, và sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế.
Loạt chính sách về sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gắn kết số này với doanh nghiệp; mở rộng danh mục đào tạo các ngành trọng điểm (điện – điện tử, cơ khí, đóng tàu, hàng hải, logistics)… được giới chức đưa ra, tập trung đẩy mạnh.
Nhờ chuyển biến này, năm ngoái, tỷ trọng đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt hơn 43%, tăng 10% so với hồi 2015. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cũng cao hơn gần 5% so với 10 năm trước. GRDP của Hải Phòng hiện gần 17 tỷ USD, gấp 4 lần thời điểm 2015, và đứng thứ 5 trên 53 địa phương.
Chỉ số PII cũng chỉ ra, Hải Phòng, ghi dấu với các yếu tố như thể chế, chất lượng nhân lực, nghiên cứu, trình độ phát triển của thị trường.
Các địa phương trong nhóm đi đầu về đổi mới sáng tạo cho biết họ vẫn còn nhiều việc cần cải thiện. Sau thời gian phát triển vượt bậc, ông Nguyễn Việt Dũng nói đổi mới sáng tạo tại TP HCM có xu hướng chững lại. Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, làn sóng đầu tư mạo hiểm trên thế giới suy giảm.
“Một trong những chỉ số đánh giá thành công của hệ sinh thái này là có nhiều doanh nghiệp tỷ USD. Song, số này ở thành phố còn ít”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nhìn nhận.
Bên cạnh việc có ít “kỳ lân”, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào địa phương vẫn khiêm tốn, nếu nhìn ra các thành phố khác trong khu vực.
Ông Dũng nói điểm hạn chế nằm ở năng lực sáng tạo, sự nhạy cảm trong tiếp cận thị trường. Ngoài chính sách sẵn có, thành phố đang tìm cách tháo gỡ bằng cách đầu tư, thúc đẩy các trường đại học nâng cao năng lực khởi nghiệp, gắn kết nghiên cứu với thực tiễn.
Tương tự, điểm yếu của Hải Phòng được ông Hoàng Minh Cường chỉ ra là số bằng sáng chế ít, trích dẫn quốc tế thấp. Các doanh nghiệp chưa nắm vững và sáng tạo công nghệ cốt lõi. Thành phố cũng chưa có cụm công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xứng tầm.
Do đó, tới đây, chiến lược của thành phố cảng là nâng cao chất lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển; xây dựng thương hiệu, cụm công nghiệp công nghệ cao và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tạo nền tảng đổi mới sáng tạo cốt lõi, độc lập và bền vững cho Hải Phòng”, Phó chủ tịch Hoàng Minh Cường nói.