Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Cần cứu doanh nghiệp từ sớm, từ xa
“Hiện nay rất khó khăn, doanh nghiệp khánh kiệt. Tôi hay nói đùa, đừng để nhìn thấy quan tài, khiêng ra đồng mới nhỏ lệ. Lúc đó sẽ không kịp. Chúng ta nên cứu từ sớm, từ xa…”.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi trao đổi với PV báo Tiền Phong sau bài phát biểu với nhiều thông tin gây chú ý tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Thưa Bộ trưởng, sau báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 có nhiều thông tin đưa ra tuy “sốc” nhưng phản ánh đúng thực trạng hiện nay, ông có nhận được phản hồi gì từ cộng đồng doanh nghiệp?
Tôi không nhận được ý kiến gì xung quanh phát biểu này từ họ, chỉ có các cụ về hưu động viên.
Nhưng thực tế quá rõ, nhìn thẳng vào vấn đề để quyết liệt hơn với những giải pháp đưa ra, thưa ông?
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 9/5. Ảnh: Như Ý
Thực tế là như thế nhưng không ai nói. Hiện nay rất khó khăn, doanh nghiệp khánh kiệt. Tôi hay nói đùa, đừng để nhìn thấy quan tài, khiêng ra đồng mới nhỏ lệ. Lúc đó sẽ không kịp. Chúng ta nên cứu từ sớm, từ xa. Cứu doanh nghiệp bởi chính họ là cứu cánh cho nền kinh tế. Doanh nghiệp sống khỏe, nền kinh tế mới khỏe. Doanh nghiệp hắt hơi, vỡ nợ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cho nên cần tập trung tháo gỡ cho họ từ thủ tục hành chính đến hỗ trợ vốn vay.
Bộ ngành, địa phương đá qua đá lại, đá lên đá xuống
Vậy Bộ KH&ĐT có biện pháp nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thưa ông?
Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp như giãn hoãn thuế, miễn giảm thuế, các nghị quyết về bất động sản, tiền tệ… Thế nhưng, chính sách tiền tệ của mình chặt quá nên nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận. Nếu không nới room tín dụng cho nền kinh tế thì sẽ còn rất khó khăn. Dòng tiền như mạch máu, máu mà không chảy, ngưng lại là chết.
Hôm qua (tức sáng 9/5), tôi cũng khuyến cáo, nên bơm tín dụng ra cho nền kinh tế. Bởi vì tăng trưởng tín dụng thời gian qua quá thấp so với thông thường. Quan trọng nhất hiện nay là tâm lý sợ, không dám thực hiện. Bộ ngành, địa phương đá qua đá lại, đá lên đá xuống. Công việc trì trệ, ách tắc là khó khăn lớn nhất.
Hẳn là ông nhận được nhiều phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp?
Bộ KH&ĐT đã họp với doanh nghiệp và không những thế, họ phản ánh qua nhiều kênh khác nhau trước tình trạng khó khăn. Tôi không tiện nêu tên những doanh nghiệp đó. Có chủ tịch tập đoàn lớn nói với tôi, phải bán bớt tài sản để duy trì uy tín thương hiệu, trả lương nhân viên, nộp tiền thuế… Nhưng đau nhất là bán giá trị, có khi chỉ còn một nửa, toàn doanh nghiệp nước ngoài vào mua bán và sáp nhập. Doanh nghiệp khổ lắm.
Thế nhưng khủng hoảng đang là câu chuyện toàn cầu, đâu riêng nước nào, thưa ông?
Sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại việc năm 2022, khi TPHCM gửi, hỏi (bộ) 584 văn bản và Bộ đã trả lời 604 văn bản. Tuy nhiên, các vấn đề hỏi này đều thuộc thẩm quyền của TPHCM.
Ảnh hưởng khủng hoảng là chuyện bình thường. Doanh nghiệp không vay được tiền chấp nhận bán tài sản, bán lỗ để có dòng tiền quay vòng trong hoạt động.
Khổ cái là, doanh nghiệp tích cóp được đồng nào thì phải bán tống bán tháo, mất hết. Những doanh nghiệp lớn, chúng ta cần bảo vệ, phải giữ cho họ. Đây là thông lệ của nhiều quốc gia, dùng hết cách để cứu doanh nghiệp lớn. Trường hợp hết thuốc chữa, cơ quan chức năng mới để doanh nghiệp phá sản.
Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp và đã tháo gỡ một phần. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đã gỡ một phần; chính sách điều hành tiền tệ… Tuy vậy, lãi suất vẫn cao quá, gần 10%, chưa kể trả phí ngoài; trong khi ở nước ngoài chỉ trên 6%. Doanh nghiệp đã kêu suốt. Đơn hàng bị cắt giảm, thị trường giảm sút, thu hẹp…
Cám ơn ông!