[Bình Định] Xác định các định hướng phát triển khả thi và tạo đột phá
Đó là một trong những yêu cầu quan trọng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặt ra cho các cấp, ngành khi chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 1.2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 2.2023 và thời gian tới (ảnh).
Hội nghị diễn ra sáng 16.2, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố. Dự họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng.
Báo cáo do Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải trình bày cho thấy, trong tháng 1, trọng tâm sản xuất nông nghiệp tiếp tục gieo sạ và chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023; chăn nuôi phát triển ổn định; sản xuất lâm nghiệp tập trung chuẩn bị cho công tác trồng rừng, tăng cường công tác bảo vệ rừng, chống cháy rừng.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 9.224 tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đạt gần 500 nghìn lượt khách, tăng 44% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 986 tỷ đồng, tăng 121,2%.
Các ý kiến thảo luận cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế tăng cao. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tháng 1 là 809,1 tỷ đồng, đạt 5,9% dự toán năm và giảm 52,8% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp 5,91%; thu hút đầu tư chậm, mới có 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 5.801 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung cả nước, đến ngày 15.2.2023, toàn tỉnh có 120 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 2.096 tỷ đồng, giảm 16,1%… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ, nhưng giảm 11,3% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 149,2 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.
Hội nghị xác định nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó, các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, nhất là chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung quán triệt thực hiện Nghị Quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các hướng dẫn, định hướng chỉ đạo của tỉnh tại Quyết định số 19/QĐ-UBND và văn bản số 20/UBND-TH. Trong đó, nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ đề cập đến tinh thần tự lực, tự cường, “đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; cùng quan điểm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” của tỉnh. Các sở, ngành rà soát nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong chuyến làm việc đầu năm tại tỉnh để triển khai hiệu quả, tạo sự thay đổi cơ bản cho tỉnh.
Các sở, ngành cùng với địa phương hoàn thiện tất cả chỉ số phát triển KT-XH. Mỗi sở, ban, ngành xây dựng nhiệm vụ trọng tâm năm, quý, tháng. Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm về dữ liệu KT-XH toàn tỉnh; các địa phương khẩn trương hoàn thành số liệu thực hiện theo HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố giao và cập nhật dữ liệu, phân rã chỉ tiêu, phân kỳ chỉ tiêu thực hiện.
“Đặc biệt, các địa phương phải có giải pháp cụ thể với từng đơn vị, lĩnh vực phụ trách. Tập trung điều hành phát triển KT-XH đảm bảo các chỉ tiêu đầu ra; thống nhất định hướng phát triển có tính khả thi và tạo đột phá”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch tỉnh gợi ý những vấn đề lớn các địa phương tập trung thực hiện thời gian tới như: Công tác môi trường; chất lượng công trình xây dựng; trật tự xây dựng – đô thị; phương án phòng, chống thiên tai; đào tạo cán bộ cấp xã. Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền tỉnh đề nghị toàn bộ hệ thống chính quyền phải đổi mới điều hành theo hướng chủ động, sát người dân và DN, tạo điều kiện cho người dân và DN phát triển.
Đối với các sở, ngành, Chủ tịch tỉnh lưu ý nhiều vấn đề cụ thể.
Sở NN&PTNT chú ý về chuyển đổi cây trồng, phát triển và chuẩn hóa sản phẩm OCOP, nuôi trồng thủy sản…; các chính sách cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, tập trung giải quyết “bài toán” IUU trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ việc liên quan đến 4 tàu cá vi phạm của huyện Phù Cát và TX Hoài Nhơn.
Sở Công Thương chuẩn bị cho đối thoại của lãnh đạo tỉnh với DN; quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất của người dân; rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các cụm công nghiệp, kiên quyết thu hồi trường hợp “xí” đất mà không làm. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt; xây dựng một số sản phẩm của tỉnh xuất khẩu. Đồng thời, lưu ý các công tác triển khai dự án quy mô rất lớn về điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (CHLB Đức).
Sở KH&ĐT chủ trì điều hành các chỉ số KT-XH toàn tỉnh; tập trung công tác thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung triển khai các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Sở GTVT tập trung quy hoạch tuyến giao thông làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư; tập trung công tác kiểm tra về đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm; nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì hệ thống giao thông…; có giải pháp phòng ngừa TNGT trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng ưu tiên công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; chuẩn hóa các khu đô thị, khu dân cư; triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đô thị. Sở chủ trì tổ chức hai hội nghị lớn về việc lập lại quản lý trật tự xây dựng – đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sở TN&MT tập trung công tác xử lý môi trường; quản lý quyền sử dụng đất, quản lý đất đai, tài nguyên, bắt buộc DN khai thác tài nguyên khoáng sản phải lắp đặt hệ thống camera quan sát và cân điện tử được kết nối để thực hiện kiểm tra, giám sát.
Sở Du lịch tập trung xây dựng chiến lược và các chính sách phát triển du lịch của tỉnh. Sở TT&TT tập trung cho công tác chuyển đổi số và truyền thông.
Bên cạnh đó các cấp, ngành quan tâm đến hoạt động thu – chi ngân sách, phát triển văn hóa – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội…