BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: Vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc

Quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng phát triển, để Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Phạm Tấn Công tại Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc đang diễn ra vào chiều ngày 25/7 tại VCCI.

Thông tin tại Diễn đàn, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc là mục tiêu lớn, là khát vọng, là động lực được truyền từ các thế hệ cha anh chúng ta, và được thể hiện qua lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Các đại biểu điều hành Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc diễn ra vào ngày 25/7.

“Trên hành trình thực hiện mục tiêu lớn này, chúng ta cần phải không chỉ xây dựng một nền kinh tế mạnh mà còn bao gồm những giá trị văn hoá, đạo đức thấm đậm trong từng hoạt động kinh tế, xã hội. Để phát triển kinh tế, chúng ta cần có đội quân chủ lực là các doanh nhân, doanh nghiệp. Để xây dựng văn hoá, đội quân báo chí là lực lượng quan trọng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và lan toả xã hội. Để có nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, chúng ta cần có cả 2 đội quân quan trọng này phát triển tốt và có sự hợp đồng tác chiến hiệu quả”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước chủ trương phải thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi. Xét về nội dung, môi trường truyền thông báo chí cũng là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, cũng như đối với tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong nhân dân. Thực tiễn cũng cho thấy quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, đồng hành cùng phát triển.

Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan toả khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí.

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Và để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hoá hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hoá.

Chủ tịch Phạm Tấn Công thông tin tại Diễn đàn

Cũng theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, tháng 12/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII đã đưa ra tầm nhìn xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng” là định hướng, là mục tiêu chiến lược trong hoạt động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ “Tiên phong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam trở thành nền tảng phát triển bền vững, đem lại giá trị cho từng doanh nghiệp, doanh nhân, cho xã hội, cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau; thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam văn minh, hội nhập và ngang tầm với thế giới”.

Xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021-2026. Để đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thì cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân lúc đó không chỉ mạnh về số lượng, về năng lực kinh doanh mà còn phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh văn minh, tiến bộ, ngang tầm các quốc gia phát triển trên thế giới.

Ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và nhân ngày báo chí cách mạng 21/6/2022, Hội Nhà báo Việt Nam cũng ban hành 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí người làm báo văn hóa. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ người làm báo trong việc thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Khuyến khích các tìm tòi mới trong sáng tạo văn hóa, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam. Làm cho văn hóa thấm sâu vào trong toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội”.

“Trong bối cảnh như vậy, ngày hôm nay VCCI phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc với chủ đề “Xây dựng văn hóa báo chí, truyền thông và văn hóa kinh doanh vì Việt nam văn minh, thịnh vượng”. Tại Diễn đàn năm này, các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa báo chí để cùng nhận thức và cùng hành động vì mục tiêu đưa văn hóa kinh doanh, văn hóa báo chí – truyền thông thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước…”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng sẽ chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI.

Thông qua chương trình ký kết hợp tác này, Chủ tịch Phạm Tấn Công cũng kỳ vọng, với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan trong Chương trình phối hợp công tác hết sức có ý nghĩa và thiết thực này, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng với giới báo chí – truyền thông sẽ cùng nhau bắt đầu giai đoạn đồng hành, hợp tác mới, hai bên cùng thành công và có những đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu lớn: đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp