Bàn giải pháp tiết kiệm năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh
Nhất là trong bối cảnh hội nhập phát triển nhanh mạnh như hiện nay, cộng thêm nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài “ồ ạt” đổ về thì vấn đề tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp càng được xem trọng, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhằm tìm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ và tiếp cận nguồn tài chính “xanh” nhằm hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong 2 ngày 18 và 19/7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tập huấn “Hợp tác thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Nghệ An, các tổ chức nghiên cứu, đơn vị cung cấp giải pháp tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn để cùng nhau đưa ra các định hướng chiến lược, các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26). Đề án với mục tiêu để Việt Nam tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Căn cứ vào quyết định trên, VCCI được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kết nối với hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các nước để kêu gọi, thu hút sự tham gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời huy động các hiệp hội, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện cam kết…
Ông Hoàng Quang Phòng cũng nêu ra thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.
“Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận. Do vậy, VCCI đang nỗ lực phối hợp với các đối tác triển khai các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ và trong ngành chế biến thực phẩm – công nghiệp hỗ trợ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh – bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Thông tin tại Hội thảo, ông Lê Đức Ánh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian vừa qua, Sở đã tích cực phối hợp Bộ Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Điện lực Nghệ An và các cơ quan chức năng có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh tại các cơ sở hoạt động lĩnh vực Công Thương.
“Tuy nhiên, đây là một nội dung khá mới, quy định pháp luật liên quan đang từng bước được hoàn thiện, cơ sở đang còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Vì vậy, vai trò của chuỗi các hoạt động do VCCI chủ trì tổ chức là rất quan trọng, nhằm tích cực trang bị, cung cấp kiến thức cho nguồn nhân lực của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh về biến đổi khí hậu, tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng, kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính…” – ông Lê Đức Ánh nói.
Cũng tại Hội thảo, ông Đỗ Thế Duyệt – Chuyên gia Công ty TNHH Yuko Việt Nam đã có những chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải nhà kính thông qua biện pháp quản lý năng lượng và đầu tư theo Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) mà đơn vị đang triển khai. Theo ông Duyệt, quy trình cung cấp giải pháp năng lượng hiệu quả của công ty sẽ được chia ra thằng từng công đoạn cụ thể, đầu tiên là thực hiện chuẩn đoán năng lượng, sau đó dự vào những dữ liệu thu thập được sẽ cân nhắc phương thức điều khiển phù hợp để thực hiện việc tính toán sơ bộ, ghi các tiềm năng tiết kiệm năng lượng và phương pháp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
“Trong bước hỗ trợ vận hành, dựa trên báo cáo đã đưa ra, chúng tôi sẽ quyết định thứ tự thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, rồi kiểm chứng, đánh giá kết quả của các giải pháp này” – ông Duyệt nói.
Ngoài ra, ông Đỗ Thế Duyệt cũng giới thiệu về Cơ chế tín chỉ chung JCM. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả một phần cho việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo để đổi lấy tín chỉ CO2. Đơn cử như, dự án tại các nhà máy phân phối điện EVN trên khắp cả nước; các máy biến áp công suất cao Amorpheus đã được đưa vào lưới điện. Tại giai đoạn 4 của dự án, tổng cộng đã có 11.853 máy biến áp được lắp đặt, góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu đại diện cho đơn vị cung cấp giải pháp, hỗ trợ tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh và bền vững… đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo tập huấn “Hợp tác thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp”.