Quy định xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán lẻ: Doanh nghiệp xăng dầu “kêu khó”
Việc xuất HĐĐT theo từng lần bán gây khó khăn và lãng phí.
Yêu cầu xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) mỗi lần bán lẻ xăng dầu đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ, thậm chí có những doanh nghiệp đã chấp nhận ngừng kinh doanh vì không “tải nổi” chi phí đầu tư mới với chủ trương này.
Chi phí đầu tư mới lớn
Ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết, để có thể sẵn sàng cho việc xuất HĐĐT cho mỗi lần bán thì doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua trang thiết bị để phục vụ cho việc HĐĐT.
“Giả sử 1 cửa hàng bán 2.000 lít/ngày; Chiết khấu bình quân khoảng 800đ/lít thì mỗi ngày doanh thu của cửa hàng vào khoảng 1,6 triệu đồng. Nếu trung bình mỗi người mua 50.000 đồng thì cửa hàng phải xuất 1.000 HĐĐT, chi phí hết 500.000 đồng. Như vậy, tính cả nhân công làm việc, phần mềm, kế toán quản lý việc xuất HĐĐT… thì chi phí cho việc sử dụng HĐĐT theo từng lần bán là 1.025.000đ/ngày. Thực sự chi phí này đã chiếm hết phần lợi nhuận của DN” – ông Giang Chấn Tây phân tích.
Cũng theo ông Tây, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng thì con số đầu tư cho trang thiết bị tầm khoảng 7.000 tỷ đồng; Chi phí cho HĐĐT xuất từng lần sẽ cực kỳ lớn và tiêu tốn tiền của DN gấp hàng trăm lần như hiện tại. Trong khi đó, hiện hầu hết DN đang bị thua lỗ kiệt quệ kể từ đầu năm 2022.
Tương tự, ông Đặng Hoài Phương – Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam cho biết, theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN, từ ngày 1/7/2019, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả cho khách hàng khi có yêu cầu. Thực hiện quy định này, Phương Nam đã phải chi 130 triệu đồng để trang bị đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in. Và sau 3 năm, lại có chủ trương yêu cầu xuất HĐĐT, buộc DN lại phải thay đổi, đầu tư mới mới đáp ứng. Điều này gây lãng phí cực kỳ lớn vì các đầu số trụ bơm có dòng đời sử dụng khoảng từ 15 – 20 năm.
Chưa kể, theo các DN bán lẻ, hiện phần mềm xuất HĐĐT sử dụng không thống nhất và không có tính bảo mật cao, có nguy cơ sẽ bị lộ thông tin kinh doanh. Do đó, cộng đồng DN bán lẻ cho rằng, nếu quyết liệt áp dụng HĐĐT trên toàn quốc thì nên xây cổng thông tin quốc gia từ Tổng cục Thuế, không nên để DN “tự bơi” như hiện nay.
Đáng chú ý, theo các DN bán lẻ, việc xuất HĐĐT là việc mà hiện tất cả DN bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện, nhưng do khách hàng mua lẻ không có nhu cầu nhận hóa đơn nên DN thường tổng hợp xuất HĐĐT vào cuối ngày. Do vậy, cộng đồng DN bán lẻ kiến nghị nên để cho DN thực hiện xuất HĐĐT như hiện nay, mà không xuất theo từng lần.
Cần chống thất thu thuế từ đầu nguồn
Chủ trương xuất HĐĐT theo từng lần bán là nhằm mục đích chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, theo cộng đồng bán lẻ, việc kiểm soát thuế thì cần tăng cường kiểm tra ở khâu đầu nguồn xăng dầu, các tổng kho đầu mối để chống thất thu thuế. “Khi hàng nhập về số lượng lớn, phải lưu kho để phân phối. Số lượng kho không nhiều nên việc quản lý số lượng nhập khẩu và hàng nhập lậu (nếu có) không khó. Việc quản lý này vừa căn bản và cũng bảo đảm an ninh, quốc phòng” – ông Giang Chấn Tây nói.
Theo ông Tây, việc cơ quan quản lý muốn kết nối để quản lý lượng hàng tồn có thể thực hiện, nhưng không nhất thiết phải xuất HĐĐT từng lần và nên thực hiện vào thời gian thích hợp vì hiện tại hầu hết DN bán lẻ đều bị thua lỗ rất nặng nên không còn khả năng đầu tư trang thiết bị quá nhiều tiền, vượt quá sức chịu đựng của DN. Việc kết nối dữ liệu này sẽ dần tự động hoàn toàn khi các đầu số đời mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kết nối, chuẩn hóa dữ liệu từ trụ bơm đến cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán căn cơ, tiết giảm tối đa chi phí vận hành kết nối về mặt số lượng hàng bán và hàng tồn kho, xuất HĐĐT nên để cho 1 kế toán thực hiện tập trung tại DN như hiện nay để giảm bớt chi phí cho DN và xã hội các hầu hết các thành phần hiện nay đều đang rất khó khăn.
Đại diện cộng đồng DN bán lẻ khẳng định, hiện nay không DN bán lẻ nào có khả năng pha chế hay tự nhập hàng lậu về bán. “DN bán lẻ xăng dầu chúng tôi cam kết và nói không với hàng hoá không có hoá đơn chứng từ để góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước chống thất thu thuế, góp phần xây dựng thị trường kinh doanh xăng dầu công bằng, minh bạch” – ông Phương nói.