Đề xuất sửa đổi quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (Luật số 72) và hệ thống các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc thực thi Luật số 72 đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, cải thiện chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kể từ khi có Luật số 72, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (con số này là 58.000 lao động/năm trong giai đoạn 2000 – 2006).
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Luật số 72 những năm qua đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật này bởi những lý do sau đây: Một số quy định của Luật số 72 không đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây như: Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật lao động năm 2012, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015… Bên cạnh đó, luật pháp của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động cũng có nhiều thay đổi dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật.
Nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới xuất hiện trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72, gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như hướng dẫn thi hành Luật, ví dụ hình thức công dân xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó ở lại và tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp (Macao, Úc, Niudilan)…; hình thức thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương nước nhận lao động (Hàn Quốc, Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ như quy định doanh nghiệp chỉ có phương án về cán bộ, cơ sở vật chất (doanh nghiệp chỉ phải hoàn thiện các điều kiện này sau khi được cấp giấy phép), điều kiện về tài chính còn tương đối dễ dàng (vốn pháp định là 5 tỷ, tiền ký quỹ là 1 tỷ), điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp; thuật ngữ vốn pháp định hiện không còn trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên gây khó khăn khi xác định việc đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp. Một số quy định về điều kiện cấp giấy phép được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng – điều này không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và không phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Luật dân sự 2015 và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chất lượng nguồn lao động chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật số 72 quy định doanh nghiệp chỉ tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Do đó, doanh nghiệp không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không đảm bảo (nếu đào tạo không đủ thời gian) hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với doanh nghiệp cung ứng của các quốc gia khác (nếu đào tạo đủ thời gian theo yêu cầu).
Thêm nữa, Luật số 72 quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên không có cơ chế rõ ràng cho hoạt động và tổ chức bộ máy. Nội dung hỗ trợ của Quỹ đang bị bó hẹp ở mở rộng và phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động. Do đó, nhiều hoạt động cần được hỗ trợ nhưng lại không có cơ sở để nhận hỗ trợ từ Quỹ…
Như vậy, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là cần thiết để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành. Việc sửa đổi Luật đảm bảo phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.