Cắt giảm đơn giản hóa quy định về kinh doanh: Vẫn còn băn khoăn về tính thực chất

Mặc dù việc thực hiện cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh được cho đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tính thực chất của công tác này vẫn còn đó không ít băn khoăn.

Cắt giảm đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chưa bao giờ việc cải cách TTHC lại được đặt ở vị trí then chốt, quyết liệt như hiện nay. Sự nhất quán từ chỉ đạo của Trung ương đến chính các bộ, ngành thể hiện rõ quan điểm: cắt giảm, đơn giản hoá TTHC phải gắn liền với xây dựng nền tảng quản trị hiện đại, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh, và lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả.

cat-giam-don-gian-hoa-quy-dinh-ve-kinh-doanh-22.4.2.jpg

Cắt giảm đơn giản hoá TTHC được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi – Ảnh minh họa

Thống kê trong Báo cáo tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của Văn phòng Chính phủ công bố vào tháng 01/2025 cho thấy, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy hạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tế vẫn còn không ít quy định đang làm khó việc tiếp cận cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vẫn băn khoăn khi gửi đi các kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, làm thế nào để các cơ quan soạn thảo tiếp nhận và có giải trình rõ ràng về việc tiếp thu hay không và tại sao…

Hay như, những bất cập, tồn tại của quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của cá ngừ tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản; Quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu cũng đang làm khó cho doanh nghiệp trong thực thi, vì không phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn còn đó suốt thời gian qua.

cat-giam-don-gian-hoa-quy-dinh-ve-kinh-doanh-22.4.1.jpg

Tuy nhiên, việc cắt giảm đơn giản hóa quy định về kinh doanh đến nay vẫn để lại không ít băn khoăn về tính thực chất – Ảnh minh họa

Vấn đề về tính thực chất của việc cắt giảm đơn giản hóa quy định về kinh doanh bấy lâu nay vẫn là câu hỏi lớn cần có lời giải. Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cũng chỉ rõ, năm 2024, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải cách TTHC.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024, trong đó yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trên cả 06 lĩnh vực với trọng tâm, trọng điểm về thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số…

Tuy nhiên, về cơ bản các Bộ chủ yếu đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo các hướng: Sửa đổi, bãi bỏ một số trường thông tin trong các tài liệu (ví dụ: bãi bỏ trường thông tin ngày cấp, nơi cấp giấy tờ công dân tại mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhạn hành nghề dịch vụ kế toán; sửa đổi người ký tên trên biểu mẫu của thủ tục Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thành “người đại diện theo pháp luật” …);

Bãi bỏ một số tài liệu trong thành phần hồ sơ (ví dụ: bỏ yêu cầu phải có bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương trong Thủ tục Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài)…

“Nhìn chung, các đề xuất trong các Phương án của các Bộ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên, các phương án này dường như chưa thực sự đột phá, triệt để và được như kỳ vọng của doanh nghiệp”, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 đánh giá.

Cũng theo “Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024”, trong giai đoạn 2020 – 2024, hàng năm, các bộ đều đưa ra Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh theo chỉ đạo của Nghị quyết số 68/NQ-CP. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, mặc dù các Phương án đã đưa ra những đề xuất có tính cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng các đề xuất này vẫn chưa có nhiều đột phá, đôi chỗ còn mang tính hình thức, chưa thực chất.

Sự băn khoăn về tính thực chất thể hiện ở: những đề xuất mang tính nhỏ nhặt, ví dụ: cắt bỏ trường thông tin trong tài liệu; bỏ một số tài liệu mà cơ quan nhà nước có thể tra cứu thông tin; giảm số ngày giải quyết thủ tục hay là giảm số lượng hồ sơ… một số Phương án đưa ra những đề xuất sửa đổi các quy định trên lý thuyết vì thực tế các quy định này đã không còn hiệu lực (đã bị bãi bỏ hoặc thay thế do các văn bản cấp trên đã thay đổi);…

Bên cạnh đó, đối với hoạt động phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 nêu rõ, đây là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Tuy vậy, trong các phương án về phân cấp và việc sửa đổi các văn bản pháp luật tương ứng, rất nhiều đề xuất phân cấp theo hướng từ người đứng đầu cơ quan xuống cho người đứng đầu đơn vị chuyên môn (từ Bộ trưởng xuống Cục trưởng, Chủ tịch UBND xuống Giám đốc sở) và giữ nguyên về trình tự, thời gian giải quyết thủ tục. Dưới góc độ của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục sau phân cấp gần như không thay đổi, trong khi đáng lẽ ra, việc phân cấp này sẽ giảm các tầng nấc trung gian và thời gian giải quyết thủ tục sẽ rút ngắn.

Một vấn đề khác, thông thường, các Bộ sẽ dựa vào các phương án phân cấp đã được phê duyệt để sửa đổi các văn bản pháp luật tương ứng. Trong quá trình soạn thảo, các bộ thường chỉ sửa các quy định về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và điều chỉnh quy trình nếu có sự thay đổi. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ không xem xét vấn đề khác của văn bản sửa đổi, kể cả việc văn bản đó có nhiều điểm vướng mắc, bất cập.

Ví dụ, trong năm 2024, Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định sửa đổi, điều chỉnh một số điều của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Dự thảo chỉ sửa nội dung liên quan đến phân cấp thẩm quyền giải quyết một số thủ tục trong Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ở cấp địa phương, phân cấp cho “người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý thuộc UBND tỉnh” quyết định.

Những sửa đổi tại Dự thảo chỉ giải quyết một phần rất nhỏ các vấn đề của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, trong khi trong quá trình triển khai, Quyết định này theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp có nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về trình tự, thủ tục hành chính, gây khó khăn cho đối tượng áp dụng. Tuy nhiên những vướng mắc này không được cân nhắc sửa đổi trong lần soạn thảo này.

Điều đó cho thấy, hoạt động soạn thảo các văn bản với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân về thủ tục hành chính, đôi khi còn máy móc – chỉ sửa đổi những gì được phê duyệt mà không cân nhắc, xem xét các vấn đề khác. Điều này cũng gây ra tình trạng lãng phí vì phải soạn thảo nhiều lần để giải quyết các vướng mắc, bất cập, trong khi có thể giải quyết trong một lần.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, cần bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh hiện có, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, chi phí không chính thức, phấn đấu trong 2-3 năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN. Hiện nay Chính phủ đang rất quyết liệt triển khai chương trình cải cách theo định hướng này, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ và thực chất hơn nữa”, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 kỳ vọng.’

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp