Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”, sáng 17/10 tại Hà Nội.
Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hàng năm. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy GDP tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng cao, sản lượng này dự báo tăng trung bình khoảng 11% /năm. Tốc độ phát triển của nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tuy vậy, hiện tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư và quy hoạch. Vì vậy, nhằm tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, đạt mục tiêu đề ra.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn với chủ đề:
Diễn đàn TÁI ĐỊNH HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG NĂNG LƯỢNG TOÀN CẦU: NHẬN DIỆN XU HƯỚNG, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO VIỆT NAM
Thời gian: 08h30 – 12h00, Thứ Năm ngày 23/07/2024
Địa điểm: Khách sạn Du Parc Hà Nội, 84 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/10/2024 tại Hà Nội.
Tham dự Diễn đàn có: Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Sĩ Đăng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ông Lê Ngọc Ánh Minh – Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN; TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT; Ông Abhinav Goyal – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam -Đại diện Công ty TNHH Thuế và Tư Vấn PwC.
Đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có: Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN; Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó ban tư vấn phản biện Hiệp hội Dầu khí Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam; Ông Hà Mạnh – Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 1; Bà Phạm Thị Hồng Hiệp – Giám đốc Công nghiệp công ty Bureau Veritas Việt Nam; đại diện các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp địa phương, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về phía ban tổ chức có Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ban tổ chức đặc biệt cảm ơn các nhà báo/phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, tham dự và đưa tin về Diễn đàn.
Ban tổ chức trân trọng cảm ơn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP đã đồng hành cùng chương trình.
Kỳ vọng dòng đầu tư chất lượng hơn vào năng lượng xanh
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Việt Nam có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo, với đường bờ biển dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa nên nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn… Những điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch khẳng định năng lượng xanh có tầm quan trọng đặc biệt với nền kinh tế Việt Nam.
Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020, của Bộ Chính trị, “về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển dịch năng lượng thời gian tới.
Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050, cũng đặt ra các mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đến năm 2030 và năm 2050.
Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng xanh cho nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể trong Quy hoạch tổng thể về ngành năng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2023 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8).
“Sau COP26, chúng ta đã thấy các cam kết quốc gia và doanh nghiệp ngày càng tăng đối với quá trình phi carbon hóa và tính bền vững của môi trường, đặc biệt là về sử dụng năng lượng cho các hoạt động và chuỗi cung ứng. Phong trào toàn cầu này đang đẩy nhanh đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và các tài sản khác để tạo ra một hệ thống điện phi carbon hóa như một xương sống cốt lõi của nền kinh tế năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết tại COP26.
“Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn.
Đồng thời cho biết, theo kịch bản phát triển Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá và nhiên liệu sang điện năng, cùng các nguồn năng lượng phát thải thấp khác. Mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn. Mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện.
Tương ứng với sự phát triển của thị trường năng lượng, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.
Để đạt được tầm nhìn dài hạn đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội so với một lộ trình các-bon cao. Việc tháo gỡ các rào cản chính sách, tăng cường các nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ để thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải carbon.
Để nhận diện và tìm ra các giải pháp trong việc xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”. Phó Chủ tịch VCCI đề nghị các doanh nghiệp đưa ra các ý kiến đóng góp để Ban tổ chức tổng hợp, trình Chính phủ và các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện, sớm thúc đẩy việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới được phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.
Cơ hội và thách thức chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ răng về phát triển bền vững để chuyển dịch từ cơ cầu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo.
Theo đó công suất nhiệt điện than dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó giảm dần về 0 trong giai đoạn 2030-2050. Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, 31% và 62% trong tổng năng lượng vào năm 2030 và 2050.
Chuỗi cung ứng của nguồn cung năng lượng có sự thay đổi. Mặc dù chuỗi cung ứng vẫn dựa vào nhập khẩu, nhưng chuỗi cung ứng trong nước sẽ ngày càng được củng cố để đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng.
Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam
Cụ thể, ông Goyal cho biết, mặc dù ở Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các tua bin gió vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Tuy nhiên khi nhu cầu năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang trở nên rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng”, ông Goyal nói.
Theo ông Goyal, việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Với các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ, có những cơ hội đáng kể khi có thể đưa ra các giải pháp năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực mới; cũng như sự phối hợp với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ mới.
Đồng thời, sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường khi có các dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu.
Tuy nhiên, ông Goyal chỉ ra, có một số thách thức đáng kể do việc dịch chuyển này mang lại. Cụ thể, những hạn chế về mặt tài chính sẽ hạn chế các dự án lớn mở rộng quy mô. Cũng như sự không chắc chắn về một số quy định gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc biến động chi phí nguyên vật liệu có thể dẫn đến các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Khi nhìn vào chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung của các dự án được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này.
Do đó, bằng cách tận dụng các giải pháp tài chính sáng tạo và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, ông Goyal cho rằng, Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn.
Khi nhìn vào Quy hoạch điện VIII, có thể thấy sự tiến bộ đáng kể trong chính sách của Việt Nam, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng, thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ và công nghiệp tái tạo liên vùng.
Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, ông Goyal kiến nghị cần phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Goyal, chuỗi cung ứng của một số các quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có những yêu cầu về nội địa hóa trong một số lĩnh vực như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, hoặc có các chính sách khuyến khích hợp tác địa phương trong các dự án năng lượng tái tạo.
Hoặc trong lĩnh vực xe điện, Indonesia cũng tận dụng trữ lượng niken dồi dào trong nước để sản xuất pin. Tương tự, Thái Lan có các ưu đãi của chính phủ đã góp phần thiết lập các nhà máy sản xuất linh kiện EV. Chính vì vậy, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực EV của Thái Lan có tỷ lệ nội địa hóa cao. trong khoảng 50-60%.
Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”
Ông Goyal lưu ý, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.
Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đồng thời cung cấp các ưu đãi cho các doanh nghiệp địa phương đầu tư, phát triển năng lực R&D…
Cuối cùng, ông Goyal cho rằng cần cải thiện các nút thắt về quy định, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư; thu hút các bên liên quan và cộng đồng địa phương tham gia vào việc xây dựng các quy định để giải quyết mối quan tâm của họ; xây dựng cơ chế đặc biệt để thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo ở quy mô hợp lý để nâng cao năng lực quốc gia trước khi nhân rộng sang các dự án thương mại.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin chung về hoạt động đầu tư hạ tầng, những thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo góp phần chuyển dịch năng lượng.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết thêm, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 3 xu hướng chính trong quá trình này là phi tập trung hoá; phi carbon hoá và số hoá, áp dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 góp phần nâng cao độ khả dụng, độ tin cậy và nâng cao chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống điện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện tốt hơn…
Nhận định chuyển dịch năng lượng là thách thức không chỉ của Việt Nam, ông Võ Quang Lâm cũng chỉ ra một số thách thức và các giải pháp tập đoàn đã thực hiện như thứ nhất, việc đầu tư đường dây truyền tải, phân phối để giải toả công suất là áp lực lớn cho EVN, nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển nhanh những năm qua.
Thứ hai, thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo. Hiện điện gió và mặt trời cung cấp cho nền kinh tế 35 tỷ kWh, chiếm 12% trong tổng nhu cầu sử dụng điện cả nước. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết như điện mặt trời theo giờ trong ngày; điện gió lại theo mùa.
Qua theo dõi của công ty điều động điện quốc gia, có những ngày ghi nhận cả nước không có gió. Đây là thách thách thức khi đẩy mạnh năng lượng tái tạo mà không có hệ thống lưu trữ điện hợp lý.
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo EVN đề nghị, với doanh nghiệp vừa là khách hàng vừa là đối tác của EVN có kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thông minh, phù hợp giúp cho EVN cũng như nền kinh tế không đầu tư giảm công suất đầu tư cho hệ thống điện, quan trọng hơn góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao chỉ số năng lượng tái tạo và sức cạnh tranh.
Đảm bảo tự chủ về công nghệ
Ông Nguyễn Sĩ Đăng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cho biết, trong chuyển dịch chuỗi năng lượng toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài chuỗi cung ứng về năng lượng.
Theo ông Đăng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ đem đến cơ hội tốt cho Việt Nam bởi những tiềm năng đang có, mà còn có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng ít nhất là khu vực Đông Nam Á. Và một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này là phải đảm bảo tự chủ công nghệ. Sự tự chủ về năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà vấn đề an ninh năng lượng.
Ông Nguyễn Sĩ Đăng – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Diễn đàn.
Cũng theo ông Đăng, trong quá trình chuyển đổi cần dựa vào những ưu thế Việt Nam đang có. Các nguồn điện đã làm chủ về công nghệ cần duy trì, không nên thay đổi một cách quá chóng vánh. Bởi, trong Quy hoạch điện VIII vẫn nói đến vai trò của thủy điện, chưa kể, trong những năm qua, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ của nguồn năng lượng này và tạo ra được nguồn cung dồi dào, điển hình là thủy điện Sơn La, vì vậy, không nên từ bỏ nguồn năng lượng này mà cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Ông Đăng cũng lưu ý, đông lực chuyển đổi năng lượng xuất phát từ tiềm năng và tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, chuỗi cung ứng này gồm 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ. Trong đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khâu tiềm năng, tạo ra lợi nhuận nhất như sản xuất, phân phối, còn lại những khâu như truyền tải, tiêu thụ nên là các doanh nghiệp Nhà nước…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội từ chuyển dịch năng lượng để làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài…
“Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng không nằm ngoài vòng phát triển, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình quốc gia liên quan đến năng lượng, nghiên cứu và triển khai các chương trình công nghệ để phát triển các nguồn năng lượng,… vì vậy, rất mong sự đồng hành của các doanh nghiệp cùng tham gia vào những chương trình này nhằm góp phần đưa Việt Nam sớm làm chủ công nghệ…”, ông Nguyễn Sĩ Đăng chia sẻ.
Cơ hội cho doanh nghiệp vào lĩnh vực hydro phát thải thấp
Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN cho biết, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Úc…
Ông Minh cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng Hydro của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố tháng 2/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt công suất sản xuất hydro từ việc sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100.000 đến 500.000 tấn mỗi năm.
Đến năm 2050, phấn đấu đạt công suất sản xuất hydro từ việc sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 10 đến 20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.
“Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.
Trong khi đó, theo IEA, sản lượng sản xuất hydro trên thế giới năm 2023 là 97 triệu tấn, dưới 1% là H2 phát thải thấp. Hydro phát thải thấp gồm hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước với điện được tạo ra từ nguồn phát thải thấp (năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng mặt trời, tua bin gió hoặc hạt nhân).
Bên cạnh đó còn có Hydro được sản xuất từ sinh khối hoặc từ nhiên liệu hóa thạch với công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) cũng được tính là hydro phát thải thấp.
IEA không sử dụng màu sắc để chỉ các tuyến sản xuất hydro khác nhau.
Tiềm năng như vậy nhưng ông Minh cũng cho biết có nhiều điểm nghẽn trong sản xuất hydro phát thải thấp. Cụ thể, sản xuất hydro phát thải thấp hoặc nhiêu liệu tổng hợp phát thải thấp (synthetic fuel) nhìn chung là chưa khả thi về thương mại để có thể phổ biến đại trà, do: Chi phí R&D cao; Công nghệ thiết bị giá cao; Điện phát thải thấp giá cao, Tiêu tốn nguồn nước lớn (1kg hydrogen tốn khoảng 9~10 lít nước); Chi phí lưu trữ, vận chuyển giá cao; Nhu cầu thấp; Quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa chính thức. Ông Minh cho biết IEA dự kiến đến 2025 hoàn thiện bộ tiêu chuẩn hydro phát thải thấp.
Tuy nhiên thách thức cũng là cơ hội, Chủ tịch CLB Hydro Việt Nam ASEAN cũng chỉ ra những cơ hội với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hydro xanh.
“Cơ hội trước hết sẽ đến với doanh nghiệp tư vấn chuyên môn kỹ thuật, luật – thực hiện tư vấn cho Chính phủ các bộ tiêu chuẩn hydro phát thải thấp và các dẫn xuất theo chuẩn quốc tế theo IEA hoàn thiện tiêu chuẩn H2/2025. NH3/2026”, ông Minh cho biết.
Bên cạnh đó, các quốc gia chưa công nhận các tiêu chuẩn lẫn nhau. Do đó, cần vận động công nhận lẫn nhau các chương trình chứng nhận hydro phát thải thấp và tái tạo.
Đồng thời cho rằng, cơ hội thứ hai sẽ đến với các doanh nghiệp như dầu khí, hóa chất dễ nhìn ra cơ hội theo Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược Hydrogen quốc gia.
Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”.
Cũng theo Chủ tịch CLB Hydro Việt Nam ASEAN, cuối tháng 9/2024, Ủy ban Châu Âu ra hạn chế đối với EU Hydrogen Bank, máy điện phân xuất xứ Trung Quốc dưới 25% tổng dự án cho vòng đấu giá thứ 2 của EU. Đồng thời, tháng 5/2024 là Mỹ, rồi đến Tháng 8/2024, Canada áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp thương mại và sản xuất cung ứng thiết bị H2.
Một cơ hội khác được ông Minh nhắc tới là ngành công nghiệp bán dẫn.
Về cơ hội đào tạo, cung ứng kỹ sư ngành sản xuất thiết bị hydro. Cơ hội thương mại thiết bị hydro: hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ làm thương mại đi các thị trường EU, Bắc Mỹ.
Cơ hội sản xuất thiết bị hydro xuất đi các thị trường trên (hợp tác công nghệ với EU, Nhật, Hàn rồi tổ chức sản xuất, xuất khẩu.
Với cơ hội thứ tư, cơ hội cung ứng năng lượng hydrogen cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và Metro nội đô, ông Minh cho rằng, Bộ Chính trị quyết định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không phụ thuộc vào nước ngoài. tốc độ thiết kế 350km/h; chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD (thông tin từ Bộ GTVT Họp báo 1/10/2024).
Tham khảo Shinkansen Nhật Bản: 0,07 đến 0,08 kWh điện trên mỗi km/hành khách cho đoàn tàu tải 1300 khách. Tính toán lượng hydro phát thải thấp để sản xuất đường ray, toa tàu, đầu máy.
Do đó, ông Minh nhận định cơ hội hợp tác khai thác tàu sử dụng pin nhiên liệu hydro, tính toán nguồn hydro phát thải thấp vận hành các đoàn tàu.
Thứ năm là cơ hội thăm dò khai thác hydrogen tự nhiên (natural hydrogen).
Vị chuyên gia đưa ra nhiều khuyến nghị trong phát triển hydro xanh.
Theo đó, khi Hydro tự nhiên được phát hiện và khai thác ở Mali, châu Phi. Phát hiện gần đây ở Pháp, Albania, Texas, Alaska và đang được thăm dò tại Úc, Canada. Chi phí sản xuất ước tính dưới 1US$/kg. Khả năng thương mại cao khi phát hiện mỏ.
Bên cạnh đó, tháng 8/2024, Philippines tổ chức đấu thầu thăm dò hydro tự nhiên. Do đó, ông Minh cho rằng Việt Nam có trữ lượng hydro tự nhiên, nên tổ chức thăm dò để tận dụng thế mạnh của ngành dầu khí Việt Nam ở ngoài khơi dọc theo đới tách giãn Biển Đông hoặc các bể trầm tích có các hoạt động magma xâm nhập, núi lửa trẻ như các bể trầm tích Phú Khánh, Cửu Long hay ở trên đất liền là các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc.
Vị chuyên gia cũng đưa ra cơ hội xuất khẩu hydro xanh cho doanh nghiệp sản xuất cung ứng trong nước, trong ASEAN và Đông Bắc Á.
Kiến nghị cơ chế phát triển ông Minh mong muốn các doanh nghiệp liên quan dầu khí, lọc dầu, khí đốt nên tham gia đầu tư lĩnh vực hydro xanh này, tránh dàn trải trong quá trình đầu tư năng lượng, tránh phá vỡ quy hoạch.
Ông Hà Mạnh, Tổng Giám đốc điều hành của May 10 cho biết, ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu chiếm 15%, tăng trưởng trong ngành trong những năm gần đây bình quân đạt 12%/năm, thu hút khoảng 3 triệu lao động trong toàn ngành dệt may cả nước. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam phải tuân thủ và thực hiện theo nhiều định chế, chế tài thông qua các Hiệp định thương mại, trong đó lồng ghép yêu cầu xanh hóa trong các sản phẩm xuất khẩu ra thế giới, ngành dệt may cũng không ngoại lệ.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu, và các thị trường phát triển khác xu thế xanh hóa là yêu cầu bắt buộc. Đối với ngành dệt may, trước thách thức và yêu cầu của các khách hàng quốc tế trong việc đánh giá các nhà máy, quy trình sản xuất, sản phẩm, các doanh nghiệp như May 10 đã có chiến lược để không nằm ngoài yêu cầu chung của chuỗi cung ứng như xây dựng chiến lược để chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất để tiến tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Ông Hà Mạnh, Tổng Giám đốc điều hành của May 10
Với cơ chế cụ thể trong ngành dệt may, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1643/QĐ-TT ngày 29/12/2022 đã đề cập dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
Theo đó, định hướng ngành dệt may Việt Nam từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam để xuất khẩu. Theo ông Hà Mạnh, những cam kết trên của Việt Nam cùng yêu cầu của các thị trường chính là định hướng cho doanh nghiệp chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Đó là con đường mà các doanh nghiệp phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển.
Ông Hà Mạnh cho biết, do đặc thù điện năng lượng mặt trời phụ thuộc thời tiết và điều kiện cơ sở hạ tầng của từng doanh nghiệp, nếu thực hiện hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, tỷ lệ cung ứng điện sạch cho sản lượng điện tiêu thụ chỉ đến 30%. Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm thêm nguồn cung ứng về năng lượng sách khác.
Gần đây, Chính phủ đã có Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp tạo ra cơ hội thúc đẩy tích cực tăng cường đầu tư, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư trong các doanh nghiệp và xã hội; đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn cung ứng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng, chứng minh nguồn cung ứng điện sạch phục vụ cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao đảm bảo tiến trình xanh hóa của doanh nghiệp, đồng thời chứng minh cho các khách hàng đối tác, ông Hà Mạnh cho rằng, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy hiện thực hóa thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người sử dụng điện năng và nhà cung ứng điện năng sạch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp với cam kết đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050.
Ông Tuấn nhận định rằng để thực hiện cam kết này, Việt Nam cần hiểu rõ chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và giải quyết các thách thức liên quan. Ông Tuấn cho biết, chuỗi cung ứng năng lượng bao gồm các giai đoạn từ sản xuất, vận chuyển, phân phối đến tiêu thụ. Việt Nam đã bắt kịp xu hướng rất nhanh khi đã có những bước đi đầu tiên vào năm 2016 và từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để phát triển bền vững, cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam
Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và gia tăng tính bền vững. Để làm được điều này, cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch. Mặc dù Việt Nam đang tập trung kêu gọi nguồn lực quốc tế, nhưng các chính sách hiện tại vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ. Ông cho rằng cơ chế cần rõ ràng hơn để tránh tình trạng gián đoạn, giúp các nhà đầu tư và ngân hàng không gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng việc đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực năng lượng xanh là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự chuyên nghiệp và minh bạch trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, không chỉ nhân lực, mà cơ sở hạ tầng cũng cần được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào trạm và đường dây truyền tải do thiếu các thông tư hướng dẫn cụ thể. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước nắm bắt cơ hội.Thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ công nghệ là một giải pháp quan trọng khác được đưa ra. Ông Tuấn nhấn mạnh rằng Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia để thu hút vốn đầu tư và tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Song song đó, chính sách giá điện cũng cần linh hoạt hơn.
Một cơ chế giá hợp lý không chỉ khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo mà còn tạo động lực cho các nhà đầu tư, từ đó giảm thiểu phát thải. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon cũng được ông Tuấn đề cập như một giải pháp quan trọng. Ông cho biết thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế dự kiến sẽ đi vào thử nghiệm vào đầu năm 2025. Thị trường này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ việc giảm phát thải, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu net-zero. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát và quản lý chặt chẽ chất lượng năng lượng, đảm bảo nguồn cung ổn định và bền vững.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng cần thúc đẩy tiêu thụ năng lượng hiệu quả thông qua các chính sách giá hợp lý, giúp tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, những giải pháp trên không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn đảm bảo thực hiện cam kết net-zero đúng lộ trình, tạo ra một hệ sinh thái năng lượng minh bạch, bền vững và hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, từ góc độ cơ quan hợp tác phát triển Đức, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án CASE tại Việt Nam, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ đã có những chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong hành trình này.
Đức với vị thế là một trong những nước hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, đã có những bước đi bài bản và mang lại nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đã tạo nên nền tảng vững chắc, không chỉ cho Đức mà còn cho các quốc gia đi sau như Việt Nam hưởng lợi.
Tuy nhiên, sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Đức hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng, họ đã phải đầu tư mạnh vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, đạt được độc lập năng lượng quốc gia. Song, việc này không dễ dàng và cần thời gian dài, nhất là với các khó khăn về nhân lực.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án CASE tại Việt Nam, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ
Theo bà Mai, một trong những bài toán lớn mà Đức đang đối diện chính là nguồn nhân lực. Ai sẽ là người có đủ năng lực để triển khai các dự án năng lượng tái tạo trong một thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo được chất lượng? Vấn đề này đòi hỏi không chỉ sự đầu tư vào công nghệ, mà còn cần xây dựng một kế hoạch dài hạn để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với công nghệ mới, đặc biệt là những kỹ thuật tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đối với Việt Nam, bà Chi Mai cho rằng, tiềm năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành điện gió và điện mặt trời có thể đạt tới 40%. Việt Nam đã có những lợi thế về chất lượng thiết bị điện, hệ thống điện và dây cáp, và có thể làm tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, ngành cơ khí cần rà soát kỹ lưỡng các cấu phần liên quan đến điện gió và điện mặt trời, và cần có cơ chế chính sách rõ ràng để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận và tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường này.
Một yếu tố không kém phần quan trọng mà bà Chi Mai nhắc đến là sự liên kết với các đối tác quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực đàm phán thương mại và hợp tác với các chuyên gia quốc tế để đảm bảo chất lượng và tính bền vững của các dự án.
Nguồn nhân lực cần được đào tạo bài bản, có khả năng tiếp nhận và vận hành công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường năng lượng tái tạo trong tương lai.Tóm lại, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ, từ việc quản lý chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực, đến đảm bảo các nguồn nguyên liệu quý hiếm. Đây là một bài toán không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có tầm nhìn dài hạn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để nắm bắt được cơ hội trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT cho biết, khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh luôn chú ý đến vấn đề tinh gọn, hiệu quả, chi phí tốt và đem ra được thị trường. Đồng thời, cần phải đảm bảo yếu tố sạch để đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Ngành năng lượng là ngành đặc thù, do đó, ông Hùng cho rằng, cần nghiên cứu, chuyển dịch và quy trình để đưa ra sự phù hợp với mỗi quốc gia và từng ngành.
Hiện nay, có nhiều mối đe dọa đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bao gồm mức độ trưởng thành của công nghệ, các cam kết chính sách, tình trạng thiếu hụt đầu tư và tài trợ, cùng các yêu cầu môi trường khắt khe như áp lực từ khách hàng yêu cầu cần triển khai giải pháp năng lượng xanh, và cam kết chính sách.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, các cam kết về chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các chính sách mạnh mẽ và nhất quán có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, đổi mới và mở rộng quy mô các công nghệ năng lượng tái tạo.
Việt Nam đã xây dựng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ phù hợp, tuy nhiên, việc định vị và xác định ý nghĩa chiến lược của những cam kết này sẽ cần trải qua các giai đoạn phù hợp với sự tích lũy của nhu cầu về năng lượng để việc chuyển dịch được bền vững.
Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu chuyển đổi xanh rất tốt, đồng thời tạo ra thị trường và cơ hội cho các nhà đầu tư. Do đó, việc hợp tác quốc tế rất quan trọng để hỗ trợ chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Xác định chuỗi cung ứng cụ thể, rồi xây dựng kế hoạch hợp tác để chia sẻ rủi ro, nguồn lực và kiến thức là rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bên cạnh đó, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài như Samsung, Apple sẽ giúp các doanh nghiệp khác trong nước có lợi thế tốt hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận với các nguồn tài chính thông qua việc các dự án nhằm thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng, hiểu được vị thế của doanh nghiệp là rất quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ của các công nghệ sạch, thúc đẩy hợp tác quốc tế, khuyến khích tích lũy kiến thức để ứng phó với biến động của thị trường và thay đổi trong môi trường chính sách, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó ban Tư vấn phản biện, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam cho biết, khi tham khảo về những tiềm năng khai thác dầu khí của thế giới và Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, với các nước lớn, có nhiều dầu với tốc độ khai thác hiện nay có thể kéo dài đến khoảng 100 năm, còn tại Việt Nam có thể là 30 – 40 năm năm. Chiến lược quốc gia đến năm 2030 vẫn khai thác 19 – 33 tỷ mét khối khí và 6 – 10 triệu tấn dầu, vì vậy, chúng ta vẫn phải đối diện với thách thức về dùng những nhiên liệu còn phát thải.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó ban Tư vấn phản biện, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam
Tập đoàn Dầu khí trên cơ sở chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng đang xây dựng chiến lược phát triển mới, trong đó hướng tới trở thành một Tập đoàn năng lượng chứ không riêng gì dầu khí để đảm bảo hướng tới mục tiêu NetZero.
Hiện nay, dù chúng ta vẫn phải dùng những loại khí, nhiên liệu trung chuyển trước khi đến hướng đến xanh hoàn toàn, tuy nhiên, hiện trên thế giới đã có những giải pháp thu hồi, chôn lấp carbon, và tại Việt Nam cũng đã triển khai những dự án tương tự.
Việt Nam vẫn còn có những mỏ khí đã phát hiện nhưng chưa đưa được vào khai thác, do đó, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để các dự án năng lượng này sớm được đi vào khai thác.
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy các viện nghiên cứu trong việc thu hồi CO2, giảm thải phát thải khí CO2 trong khai thác dầu khí,… phối hợp với các nước trên thế giới để đa dạng các giải pháp hướng tới xanh hóa.
Bà Phạm Thị Hồng Hiệp, Giám đốc Công nghiệp Công ty Bureau Veritas Việt Nam cho biết, khi nói đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới với thị trường Việt Nam. Do vậy, các chính sách, cơ chế, quy định, tiêu chuẩn vẫn còn những rào cản. Đây là điểm nghẽn với chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hồng Hiệp, Giám đốc Công nghiệp Công ty Bureau Veritas Việt Nam
Theo bà Hiệp, với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện có khoảng 30-40% các doanh nghiệp đang quan tâm thực hiện giảm phát thải. Nhưng các doanh nghiệp cần làm rất nhiều để giảm phát thải, ngay từ vấn đề năng lượng, điện lưới là chung nên doanh nghiệp phải tự vận động, tự chuyển đổi rất nhiều.
Khuyến nghị giải pháp để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giảm phát thải, bà Hiệp khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng, phát triển nhân lực, kiểm kê phát thải và xây dựng hệ thống quản lý môi trường.
“Đặc biệt chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, áp dụng công nghệ sản xuất giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, sử dụng nguyên liệu bền vững và nguyên liệu tái chế”, bà Hiệp khuyến nghị.
Cụ thể đề xuất với doanh nghiệp lĩnh vực dệt may và thuỷ sản, bà Hiệp cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng năng lượng mặt trời, đầu tư công nghệ nhuộm ít nước, chứng nhận các tiêu chuẩn xanh quốc tế như GOTS, OEKO-TEX và sử dụng nguyên liệu tái chế, hữu cơ.
Đối với ngành thuỷ sản, doanh nghiệp cần nuôi trồng thuỷ sản bền vững ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, giảm thiểu sử dụng kháng sinh, hoá chất và chứng nhận ASC, MSC.
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết: Sau hơn 2 tiếng trao đổi, diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” đã trao đổi nhiều nội dung với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà tư vấn, doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Ban Tổ chức tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, nội dung trao đổi. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức sẽ tập hợp, tổng hợp thành Báo cáo gửi các cơ quan chức năng, bộ, ngành. Đây là những ý kiến phản biện chính sách ý nghĩa, góp phần hoàn thiện chính sách, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.