Giải pháp nào cải thiện chỉ số PCI Đắk Lắk?
Thời gian tới, Đắk Lắk cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh Đắk Lắk, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền. Theo ông Tuấn, đây cũng được xem là công cụ thể đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp của chính quyền địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị nhiều giải pháp để Đắk Lắk cải thiện Chỉ số PCI.
Theo điều tra của VCCI, thời gian gần lại đây, việc phát triển doanh nghiệp đã được các địa phương chú trọng nhiều hơn, việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp dần được quan tâm. Và để doanh nghiệp đến đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn cho hay VCCI nhận thấy các địa phương đang nỗ lực cải thiện hạ tầng, nguồn nhân lực, đẩy mạnh lợi thế đặc thù.
Với Đắk Lắk, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng địa phương có nhiều thuận lợi, tuy nhiên đi kèm với đó cũng còn nhiều bất lợi về không có cảng biển, hạ tầng giao thông,,.. Bên cạnh đó, có một yếu tố quyết định, tác động đến dòng vốn đầu tư vào địa phương là thủ tục hành chính, vận hành của chính quyền,… đây là lợi thế mà tỉnh Đắk Lắk đang có.
“VCCI thời gian qua vẫn giữ nguyên tính độc lập, khách quan trong công tác điều tra và công bố PCI và PCI cao hay thấp đều xuất phát từ đánh giá của doanh nghiệp. Cách để cải thiện PCI là các địa phương cần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương bên cạnh công tác xúc tiến đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Từ bức tranh PCI chung, vị này nhận định phần lớn các địa phương đều có các chỉ số cải thiện. Và trong năm 2023, Đắk Lắk đã tăng gần 4 điểm, là mức tăng cao nhưng thứ hạng không lên cao vì các địa phương cũng đều tăng.
Theo điều tra trong giai đoạn hậu Covid-19, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương dần tích cực hơn. Cùng với đó, Chi phí không chính thức cũng đã có chiều hướng giảm trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đang cải thiện,thủ tục gia nhập thị trường đơn giản hơn, đây là thế mạnh của Đắk Lắk, thế mạnh “mặt tiền” của Đắk Lắk. Thông tin từ ông Tuấn, các doanh nghiệp mong mỏi chính sách tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, việc cạnh tranh công bằng hơn, cải thiện tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tích cực quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
“Đắk Lắk nằm trong nhóm sau của bảng xếp hạng PCI, dù vậy việc giải quyết thủ tục hành chính đang là thế mạnh của địa phương. PCI Đắk Lắk đang có nhiều thay đổi tích cực so với năm 2022, thủ tục đăng ký doanh nghiệp cải thiện đáng kể, tăng liền trong 3 năm và doanh nghiệp cảm nhận tích cực trong vấn đề này, giấy phép kinh doanh cũng thuận tiện hơn”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Cũng thông tin thêm tại Hội thảo, ông Tuấn dẫn chứng công tác chuyển đổi số của Đắk Lắk cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao, môi trường kinh doanh có xu hướng bình đẳng hơn. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là Đắk Lăk chưa có doanh nghiệp lớn, các dự án trọng điểm,…
Đồng thời, chất lượng lao động đang được cải thiện, đã có 31% doanh nghiệp cho rằng lao động tại Đắk Lắk đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI, ông Tuấn khuyến nghị tỉnh Đắk Lắk cần nhận thấy và khắc phục một số điểm hạn chế cần cải thiện như phát huy tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền tỉnh, tiếp tục cải thiện mức độ tiếp cận thông tin, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó là tiếp tục giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực như Thuế, đất đai, giao thông,… và tháo gỡ khó khăn để vực lại tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp.
Về giải pháp cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất thời gian tới Đắk Lắk cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật. Song song là phát huy vai trò của chính quyền về tạo lập và phát triển môi trường kinh doanh và vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong phản ánh những khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt giá đất. Xây dựng các chương trình cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
“Đặc biệt là các cải cách tập trung vào các lĩnh vực thuế, đất đai, phòng cháy, xây dựng,… Duy trì cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp khi tiếp cận các nguồn lực, thực hiện thủ tục hành chính và tiếp cận các chương trình hỗ trợ.
Đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao, cung cấp nguồn lao động chất lượng cho địa phương và khu vực lân cận, tạo cơ sở thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ này cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường”, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng cần quan tâm đến chỉ số PGI – Nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững. Tại đây, tổ chức xây dựng các kế hoạch phòng chống và phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, giảm tối đa tác động của thiên tai đối với người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Dẫn dắt và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện môi trường qua các chương trình phù hợp.
Đắk Lắk cũng cần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh có trách nhiệm,…