Thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Ba Lan
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốcVCCI HCM tại buổi Giao lưu B2B giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan, trong khuôn khổ của Chương trình “Hương vị châu Âu”.
Các đại biểu và doanh nghiệp 2 nước tham dự buổi Giao lưu B2B – Ảnh: Đình Đại.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM cho biết, Việt Nam và Ba Lan có mối quan hệ lâu đời, chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba lan (1950 – 2025). Các hoạt động đang hướng đến nhằn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống giữa Ba Lan và Việt Nam.
Về thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ba Lan, theo ông Nam, trong năm 2023, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 2,8 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Về đầu tư, hiện nay Ba Lan là một trong 146 quốc gia có đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 35 trong số những quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
“Sự có mặt của các doanh nghiệp Ba Lan và Việt Nam trong sự kiện hôm nay sẽ là cơ hội để doanh nghiệp 2 bên tìm hiểu nhu cầu của nhau, cũng như tìm hiểu các cơ hội kinh doanh để thiết lập các mối quan hệ về thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước. Đồng thời, nhằm mục đích hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM phát biểu tại sự kiện – Ảnh: Đình Đại.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và F&B của Ba Lan thúc đẩy nhiều hơn nữa các sản phẩm hàng hóa của Ba Lan vào Việt Nam nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia và đây cũng là mục tiêu lâu dài của hai quốc gia trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi họp báo trước đó, ông Piotr Harasimowicz – Trưởng đại diện Cục Đầu tư Thương mại Ba Lan tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mai tự do, nên môi trường đầu tư, thương mại ngày càng hợi nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Piotr Harasimowicz cho rằng, những hiệp định thương mại đó không chỉ dần dần gỡ bỏ đa số các loại thuế xuất nhập khẩu giữa hai bên, mà còn đơn giản hoá quá trình cấp giấy phép và các trở ngại khác. Những quy định về quá trình xác định nguồn gốc xuất xứ cũng sẽ được đồng bộ hoá.
“Khi hợp tác với các công ty Việt Nam, những nhà kinh doanh Ba Lan sẽ được tiếp cận đến các thị trường của cả hai hiệp định thương mại chính mà sẽ thay đổi hình thức thương mại ở khu vực châu Âu trong những năm sắp tới. Nhờ các hiệp định này, các quan hệ thương mại giữa các quốc gia nằm ở khu vực châu Âu sẽ được cải tiến”, ông Piotr Harasimowicz chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA vào năm 2020 là một việc quan trọng. Việt Nam là một trong số rất ít đất nước tham gia vào việc xây dựng quá trình hội nhập của nền kinh tế châu Âu ở cả hai khối, mà còn có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Phòng Thương mại Ba Lan tổ chức họp báo thông tin về Chương trình “Hương vị châu Âu” – Ảnh: Đình Đại.
Theo ông Piotr Harasimowicz, giá trị giao thương giữa Ba Lan và Việt Nam vào năm 2023 đã đạt mốc trên 5 tỷ EUR, trong đó phần lớn là hàng hoá Việt Nam xuất khẩu về thị trường Ba Lan gần 4,6 tỷ EUR, giảm 2% so với năm 2022. Vào năm 2023 Ba Lan xuất khẩu sản phẩm với tổng giá trị 540 triệu EUR về thị trường Việt Nam, tăng 16% so với năm 2022.
Giao thương giữa Ba Lan và Việt Nam chủ yếu liên quan đến các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm. Vào năm 2022, tổng giá trị của các sản phẩm trong lĩnh vực nông phẩm và thực phẩm mà Ba Lan xuất khẩu về thị trường Việt Nam đạt mốc 176 triệu EUR, tăng 16% so với năm trước. Vào năm 2023, tổng giá trị các sản phẩm thịt và các sản phẩm động vật là gần 142 triệu Euro, tăng 43% so với năm 2022 khi tổng giá trị các sản phẩm này đạt mốc 99 triệu EUR.
“Những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết vào thời gian gần đây tạo nhiều cơ hội để tăng cường các hoạt động đầu tư từ phía Ba Lan. Các sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất là gạo, bắp ngô, tỏi, trứng và các sản phẩm từ cá. Các doanh nghiệp nên để ý đến thị trường các sản phẩm sữa bò và thực phẩm đã chế biến, vì thuế xuất nhập khẩu đối với các nhóm sản phẩm này sẽ dần dần được giảm xuống bằng 0 trong vòng 5 – 7 năm kể từ khi hiệp định thương mại vào hoạt động”, ông Piotr Harasimowicz lưu ý.
Còn theo bà Bozena Wroblewska – Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, hiện tại nhiều sản phẩm Ba Lan đã có mặt tại Việt Nam, nhưng Ba Lan mong muốn mang đến thị trường Việt Nam đa dạng sản phẩm hơn và chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị – truyền thống và chất lượng” là một trong những hoạt động trọng tâm.
Sản phẩm thực phẩm của Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung luôn đảm bảo tuân thủ chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn sản xuất cao. Điển hình, Ba Lan là một trong những nhà cung cấp trái cây hàng đầu châu Âu, đang đóng vai trò quan trọng ở nhiều thị trường bên ngoài châu Âu nhờ đảm bảo yếu tố chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả cạnh tranh….
Bên cạnh đó, mạng lưới trang trại sản xuất trái cây và rau quả ở châu Âu do những nông dân trẻ quản lý đang sử dụng đa dạng công nghệ hiện đại và trang thiết hiết bị chuyên dụng nên chất lượng sản xuất ngày càng được nâng cao.
Chương trình “Hương vị châu Âu” quảng bá các sản phẩm thực phẩm châu Âu. Dự án nhằm mục đích quảng bá thịt bò và thịt heo (tươi sống, ướp lạnh và đông lạnh) cũng như táo và các chế phẩm của chúng. Các hoạt động nhắm đến người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhập khẩu và truyền thông ở Nhật Bản, Việt Nam và Singapore.
Chương trình khuyến mãi tập trung vào việc tổ chức các buổi họp mặt và thông tin có hiệu quả để nêu bật những nét độc đáo của thực phẩm châu Âu, nhấn mạnh hương vị đặc biệt, chất lượng cao, các tiêu chuẩn an toàn sản xuất, các điều kiện thuận lợi về khí hậu và canh tác, cùng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến phù hợp với những nguyên tắc phúc lợi cho động vật. Sản xuất thực phẩm trong Liên minh châu Âu tuân thủ chất lượng quốc tế và các tiêu chuẩn sản xuất như HACCP, GMP, GHP, GAP, ISO, đảm bảo chất lượng và độ an toàn.