[Quảng Nam] Kết nối các điểm đến Quảng Nam tạo lực hút cho du lịch
Từ vùng xuôi đến vùng núi phía Tây, tỉnh Quảng Nam đang tìm phương án kết nối để phân bổ đều cho ngành du lịch, từ đó tạo thêm điểm đến thu hút du khách đến và trải nghiệm.
Trong 4 tháng đầu năm 2024 Quảng Nam thu hút hơn 2,4 triệu lượt khách, doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 2.540 tỷ đồng.Thu nhập xã hội từ du lịch của Quảng Nam trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5.969 tỷ đồng.
Cân bằng điểm đến du lịch
Trong tháng 4 vừa qua, Quảng Nam cũng đã công bố Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2024 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam, thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch xanh Quảng Nam. Trong định hướng phát triển du lịch, Quảng Nam xác định sẽ phân bổ đều vùng du lịch từ vùng xuôi đến vùng núi, xác định phát triển gắn với du lịch xanh, du lịch bền vững.
Vì vậy, địa phương này đang muốn “kéo” thêm lượng khách nội địa và quốc tế đến với các địa phương miền núi và giảm tải cho vùng lõi đô thị. Từng bước, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,… tại các địa phương xa.
Tại huyện Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang chính thức khai trương góp thêm một điểm đến mới, mở ra nhiều sản phẩm du lịch làm tiền đề hút khách về với miền núi Quảng Nam. Sau gần 2 năm vận hành đón khách trong giai đoạn 1, khu du lịch này đã đón hơn 120 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú.
Ông Nguyễn Anh Tấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FVG (chủ đầu tư dự án) cho hay phía doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ, giúp du khách có nhiều trải nghiệm về thiên nhiên, văn hóa bản địa tại khu du lịch. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương khi tuyển dụng gần 1.000 lao động là người đồng bào Cơ tu đến làm việc.
“Trong quý II/2024, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang dự kiến sẽ chính thức đưa vào khai thác hạng mục cáp treo – đây là tuyến cáp treo đầu tiên có mặt tại Quảng Nam với chiều dài dây cáp võng đạt 1.601m, độ cao chênh lệch so với mực nước biển là 800m. Cùng với nhiều hạng mục vui chơi, giải trí được hoàn thiện trong giai đoạn 2 tại khu du lịch sẽ góp phần giúp du khách đa dạng trải nghiệm trong hành trình du lịch của mình, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đón hơn 100.000 lượt khách/năm”, ông Tấn cho hay.
Sẽ có một hệ sinh thái du lịch mới gồm Hội An, Mỹ Sơn, Đông Giang, là trục du lịch mới lạ cho du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua địa phương đã có nhiều cơ chế chính sách, chỉ đạo quyết liệt để phát triển kinh tế vùng miền núi phía Tây. Ông Bửu khẳng định Quảng Nam muốn nâng đời sống của người dân, bảo vệ rừng, phát triển đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường và tại Đông Giang, doanh nghiệp đã đem du lịch về với vùng núi để phát triển kinh tế xã hội với 70% nhân công là người lao động địa phương.
“Không chỉ làm kinh tế, người dân địa phương cũng học hỏi thêm từ du khách về việc hoạt động phát triển kinh tế. Và miền núi của tỉnh Quảng Nam có rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch gồm du lịch xanh và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Sau dự án Cổng trời Đông Giang, các địa phương vùng núi khác của Quảng Nam cũng sẽ có thêm kinh nghiệm để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến để đầu tư tạo nên bức tranh tổng thể miền núi của Quảng Nam không tách biệt với vùng xuôi”, ông Bửu nói.
Thúc đẩy hạ tầng cho du lịch
Ông Hồ Quang Bửu nhận định, khi phát triển được kinh tế miền núi gắn với du lịch có thể xem là cánh tay nối dài để thúc đẩy hệ sinh thái du lịch. Theo ông Bửu, sẽ có một hệ sinh thái du lịch mới gồm Hội An, Mỹ Sơn, Đông Giang, là trục du lịch mới lạ cho du khách trong nước và quốc tế.
“Qua đó kinh tế địa phương sẽ phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, ở đây có một khó khăn là giao thông và giao thông rất quan trọng với việc phát triển vùng miền. Quảng Nam xác định 1 đồng đầu tư công phải kéo thêm 5-10 đồng đầu tư tư. Quảng Nam còn nhiều trục đường giao thông huyết mạch như 14G, 14B, 14D, 40B,… nêu các trục này được đầu tư công thì miền núi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Hơn nữa, trục du lịch khám phá Hội An, Mỹ Sơn, Đông Giang rất đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, tại đây không chỉ có khách nội địa thích thú mà cả khách quốc tế cũng sẽ tận hưởng được những trải nghiệm mới mẻ tại cung đường này”, ông Hồ Quang Bửu nhìn nhận.
Bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty Hội An Express, đơn vị xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại Hội An cho hay đơn vị đang tập trung xây dựng các sản phẩm xung quanh 2 Di sản là Hội An và Mỹ Sơn. Ngoài ra, vị này cho hay tỉnh Quảng Nam cũng đang lên chương trình phát triển du lịch mùa thấp điểm để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
Theo bà Anh, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới không chỉ đưa khách đến các vùng lõi mà còn đến với các điểm đến xa hơn như Cửa Khe, Trà Đão, Đông Giang, Tây Giang,… Qua đó, khách du lịch có tự trải nghiệm dịch vụ và các doanh nghiệp tại địa phương có thể tự xây dựng sản phẩm để phục vụ.
“Từ đó, sẽ dễ dàng hơn cho du khách trong việc trải nghiệm, các doanh nghiệp từ đó sẽ tung ra thêm ưu đãi, khuyến mãi. Đặc biệt là sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có những chứng nhận du lịch xanh”, bà Quế Anh thông tin.