Trong cuộc hội đàm tại Phủ Chủ tịch ngày 23/1, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao đổi về phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức, chia sẻ các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Hai lãnh đạo đánh giá hợp tác giáo dục – đào tạo đạt nhiều kết quả, trong đó Đại học Việt Đức, dự án biểu tượng của quan hệ hai nước, đang vận hành hiệu quả. Chủ tịch nước đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, ủng hộ Đại học Việt Đức mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Đức được bắt đầu từ năm 1990. Hàng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Đại học Việt Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại TP HCM, được coi là dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bắt tay Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Giang Huy
Về kinh tế, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau.
Tổng thống Đức khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế tin cậy, mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị Đức tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường và đào tạo nghề. Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Steinmeier khẳng định Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia, tài chính trong triển khai khuôn khổ JETP nhằm góp phần thực hiện cam kết giảm khí phát thải về 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, tư pháp, nông nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Giang Huy
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn Đức tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Tổng thống Đức khẳng định cộng đồng 200.000 người Việt Nam tại Đức hội nhập thành công, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.
Hai nước nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Steinmeier chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác về lao động di cư giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier họp báo chung sau hội đàm. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2011. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU), và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD.
Hiện có hơn 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ tư EU và thứ 18 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD.
Đức là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam, với hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA từ năm 1990 đến nay.