9 nhóm hoạt động trọng tâm để kinh tế trục cao tốc phía Đông phát triển bền vững
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng ban Thư ký Hội đồng VEHEC cho biết, năm 2024, VCCI tiếp tục cùng 4 địa phương trong VEHEC triển khai 9 nhóm hoạt động trọng tâm.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, GRDP trên địa bàn năm 2023 của 4 địa phương trong VEHEC tăng trưởng tích cực dù đối diện với nhiều khó khăn. Ước tính, tốc độ tăng trưởng đều trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, 4 địa phương trong kết nối VEHEC đều có tăng trưởng tốt về sản xuất công nghiệp và thu hút vốn đầu tư. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký mới vào 4 địa phương VEHEC chiếm gần một nửa tổng vốn FDI đăng ký mới trên toàn quốc năm 2023.
Năm 2023, VEHEC đã tổ chức hội nghị triển khai Thỏa thuận VEHEC tại tỉnh Hưng Yên, ban hành các văn bản về thành lập Hội đồng VEHEC, các quyết định về quy chế hoạt động, quyết định về thành lập Ban Thư ký, và kế hoạch triển khai hoạt động năm 2023. Đồng thời, tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản 2023, đoàn xúc tiến thương mại – đầu tư Châu Âu, diễn đàn XTTM và đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2023. VCCI cùng với các tỉnh, thành phố tổ chức thành công diễn đàn các khu công nghiệp VEHEC 2023, hội thảo về môi trường đầu tư kinh doanh xanh, tập huấn chính sách và pháp luật xuất nhập khẩu, hội nghị đối thoại doanh nghiệp – Tổng cục hải quan về xuất nhập khẩu, hợp tác truyền thông cho tiểu vùng. Đặc biệt, năm 2023, VCCI đã chủ trì xây dựng và triển khai Đề án thành lập Hội đồng doanh nghiệp vùng.
Năm 2023, hoạt động của VEHEC đã có được sự phối hợp chặt chẽ từ các tỉnh, thành phố nơi diễn ra sự kiện. Các hoạt động của VEHEC đã bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Các hoạt động, chương trình của VEHEC phù hợp với sự phát triển doanh nghiệp và tình hình kinh tế xã hội.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, để các hoạt động có chất lượng cao thì cần có kinh phí. Tuy vậy, năm đầu tiên của VEHEC chưa có nhiều nguồn lực tài chính để triển khai. Hoạt động của VEHEC cần thêm sự tham gia chủ động từ các địa phương trong vùng. Năm 2023, chưa có nhiều ý tưởng từ chính các tỉnh, thành phố hay cộng đồng doanh nghiệp trong vùng.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, dự kiến trong năm 2024, VCCI sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên triển khai 9 nhóm hoạt động trọng tâm. Trong đó, hoàn thiện tổ chức bộ máy gồm: Xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp vùng; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp vùng năm 2023-2024.
Cùng với đó, tập trung xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm và hướng vào một số ngành nghề trọng điểm. Về vận động chính sách liên quan đến tiểu vùng, VCCI sẽ cùng các địa phương tập hợp các vướng mắc về pháp luật, chính sách của vùng và vận động, góp ý với cơ quan Trung ương. Tổ chức Diễn đàn các KCN hoặc chủ đề logistics tăng cường liên kết các lĩnh vực quan trọng này. Đồng thời, tổ chức đào tạo về các chủ đề liên quan cho các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp của tiểu vùng VEHEC. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tiềm năng, thế mạnh của vùng, các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, về mô hình VEHEC. Tổ chức Hội thảo vùng về môi trường đầu tư xanh để thúc đẩy chuyển đổi môi trường đầu tư theo hướng xanh. Tổ chức diễn đàn doanh nghiệp VEHEC để thúc đẩy hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp của 4 tỉnh, thành phố, đối thoại công – tư, hợp tác liên vùng trong phát triển.
Bên cạnh đó, VCCI cùng với 4 địa phương sẽ xây dựng báo cáo kinh tế thường niên của tiểu vùng năm 2024, nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế của vùng, nhìn rõ hơn cơ hội phát triển của vùng, thúc đẩy kết nối; tập trung kết nối về truyền thông tiểu vùng, trong đó mở chuyên mục về VEHEC trên website, các ấn phẩm báo chí của VCCI và các địa phương.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, kế hoạch hoạt động năm 2024 của VEHEC cần được thảo luận và nhanh chóng ban hành để triển khai kịp thời nhất. Các địa phương chủ động đề xuất ý tưởng hoạt động của VEHEC từ đánh giá thực tế và nhu cầu của mình. Đồng thời, cần bố trí một nguồn ngân sách ổn định để duy trì và tiến hành những hoạt động trọng tâm của Hội đồng kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông.