[Bình Định] Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về logistics

Ngày 31/7, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về logistics năm 2023. Mục đích của Hội nghị là trang bị cho cán bộ, nhân viên các sở, ngành, DN những kiến thức cơ bản về logistics, từ đó nâng cao khả năng thực hiện các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, phát triển thị trường dịch vụ logistics – 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh Bình Định.

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về logistics năm 2023, do Sở Công Thương tỉnh Bình Định phôi hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức.

Tham dự Hội nghị, có các vị:

Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định; Trịnh Thị Thu Hương, PGS. TS. giảng viên cao cấp, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương; Phan Bình Tuy, ThS.  Phòng Giám sát quản lý – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh; Đặng Quốc Thượng, đại diện VCCI Đà Nẵng tại Bình Định; trên 90 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các DN sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK); các DN dịch vụ logistics: vận tải, kho bãi, khai thác cảng biển; các hiệp hội, ngành hàng; trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Viêt Hiền)

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về logistics năm 2023, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Đình Kha đã nêu bật mục đích, y nghĩa của Hội nghị, nhất là vai trò quan trong của logistics đối với DN và phát triển kinh tế – xã hội  (KT-XH).

Ông Nguyễn Đình Kha cho biết: Hiện nay, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển KT-XH của Việt Nam cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với tỉnh Bình Định, thời gian qua, hoạt động XK trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch XK của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2022, kim ngạch XK của tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã thâm nhập được những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. Kết quả này có đóng góp đáng kể của ngành dịch vụ logistics.

Đáng lưu ý, với tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong việc phát triển KT-XH, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025, đồng thời chỉ đạo các ngành tập trung, đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cầu hạ tầng giao thông, thu hút các DN đầu tư xây dựng hệ thống kho ngoại quan, kho hàng, bến bãi, cầu cảng, phát triển phương tiện vận, phát triển dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không) – một trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh Bình Định.

Theo đó, tại Hội nghi, các đai biểu đã được các chuyên gia Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh truyền đạt, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về logistics và phổ biến thông tin liên quan đến lĩnh vực XNK và các hiệp định thương mại tự do, trên địa bàn tỉnh Bình Định..

PG. TS. Trịnh Thị Thu Hương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: V.H)

Cụ thể đó là các vấn đề: Xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong phát triển dịch vụ logistics; chuyển đổi số (CĐS) đối với phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; tầm quan trọng của CĐS trong phát triển dịch vụ logistics; Cách mạng IT trong logistics và vận tải; DN logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh; chuyển đổi xanh đối với phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam; quy định thực thi CBAM của EU; Kế hoạc thực hiện CBAM; nội dung phát triển logistics xanh…

Đặc biệt, tại Hội nghị, các chuyên gia đã đề ra một số giải pháp phát triển logistics xanh tại Việt Nam, trong đó có giải pháp từ phía Nhà nước và giải pháp từ phía DN. Theo đó, giải pháp đối với Nhà nước, gồm có:

Xem xét xây dựng chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics xanh đến năm 2030, tần nhìn đến 2050; đẩy nhanh quá trình chuyển đối số;

Tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho vận tải đa phương thức, đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp;

Hoàn thiện khung pháp ly đồng bộ cho hoạt động logistics xanh;

Chính sách khuyến khích, thúc đẩy DN hướng đến phát triển logistics xanh;

  • Xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh.

Về phía DN, theo các chuyên gia, cần thực hiện một số giải pháp:

Xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistics xanh;

Kiểm soát logistics xanh tại kho;

Cải tiến chất lượng phương tiện vận tải;

Triển khai công nghệ hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ logistics và DN sử dụng dịch vụ logistics.

Theo Tạp chí Thương Hiệu & Công Luận