[Quảng Trị] Doanh nghiệp may mặc chủ động đào tạo nghề cho người lao động
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn áp dụng trong thời gian gần đây là tuyển dụng lao động gắn với đào tạo tại chỗ. Sự chủ động này của doanh nghiệp đã giúp nhiều lao động phổ thông nhanh chóng có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Doanh nghiệp may mặc luôn quan tâm bố trí công nhân lành nghề hướng dẫn, kèm cặp lao động mới ngay tại xưởng sản xuất -Ảnh: M.L
Theo chị Cao Thị Ái Vân, công nhân Công ty Dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam (gọi tắt là Công ty Jinquan), cán bộ công ty đào tạo nghề rất kỹ càng. Các trưởng chuyền, tổ trưởng tổ sản xuất hướng dẫn kỹ thuật may theo sản phẩm cụ thể mà công ty đang sản xuất nên rất thuận lợi.
“Chưa đầy 3 tháng học nghề, tôi có thể tự đứng máy, thao tác chuyền và thích nghi nhanh với môi trường làm việc ở đây. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nghề của công ty cũng rất ưu đãi. Người lao động vừa được học để có nghề lại vừa được hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng xe, sinh hoạt phí. Tôi sẽ gắn bó với công ty và không ngừng nâng cao tay nghề để tăng hiệu quả sản xuất”, chị Vân nói.
Công ty Jinquan là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm dụng cụ du lịch ngoài trời, hiện có khoảng 800 công nhân. Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Jinquan Lê Minh Ngọc, việc đào tạo lao động tại chỗ giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian đào tạo, hướng dẫn người lao động làm quen với công việc.
Trong quá trình dạy nghề, công ty lồng ghép giáo dục ý thức lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong sản xuất công nghiệp để thay đổi thói quen của người lao động. Nhờ vậy, đa phần công nhân mới vào nghề đều nhanh chóng thích nghi công việc, đảm bảo tiến độ sản xuất theo các đơn hàng của công ty.
Cũng là một trong những doanh nghiệp may mặc lớn trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, Công ty May Hòa Thọ – Đông Hà luôn chủ động đón người lao động đến học nghề, tham gia sản xuất theo tổ, nhóm, tạo thuận lợi cho người lao động trực tiếp thực hành ngay tại dây chuyền sản xuất.
Với lao động phổ thông chưa biết gì về may mặc thì công ty bố trí đội ngũ kỹ thuật và ban điều hành chuyền trực tiếp hướng dẫn vận hành thiết bị may, các thao tác từ cơ bản đến đào tạo kỹ thuật khó hơn. Bên cạnh đào tạo mới, công ty cũng thực hiện đào tạo lại, định kỳ 2 -3 năm tổ chức thi tay nghề, làm cơ sở nâng bậc lương công nhân nhằm đảm bảo thu nhập, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty.
Theo anh Lê Bá Sỹ, cán bộ kỹ thuật chuyền Công ty May Hòa Thọ – Đông Hà, trong đào tạo nghề, thực hành là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nên việc tham gia học nghề tại doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận trực tiếp với môi trường làm việc.
Hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề cho người lao động là một trong những giải pháp cấp thiết nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
“Tôi đào tạo học viên theo thứ tự thao tác, kỹ năng từng công đoạn, bắt đầu từ dễ đến khó, để người học quen dần. Được tiếp nhận, hướng dẫn thực hành tại xưởng nên người lao động có cơ hội tiếp cận với thực tế sản xuất, hòa nhập tốt với môi trường làm việc, sớm hình thành tác phong công nghiệp”, anh Sỹ cho biết.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Các công ty may mặc mở rộng chi nhánh, xưởng may về tận vùng nông thôn, tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn có việc làm tại chỗ.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 13 doanh nghiệp may đang hoạt động với gần 6.000 lao động và trên 50 cơ sở may gia công với khoảng 1.200 lao động, đạt gần 30 triệu sản phẩm trong năm 2022, thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/tháng. Do đặc thù của ngành dệt may là sự biến động lao động lớn, để hoàn thành các đơn hàng, bắt buộc doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng lao động mới.
Lao động tại các công ty may trên địa bàn được tuyển dụng từ nhiều nguồn. Bên cạnh lực lượng lao động may người Quảng Trị tại các nhà máy ở các thành phố lớn đã có tay nghề nay trở về quê hương làm việc thì có một lượng lao động lớn chưa có tay nghề được các công ty tuyển vào đào tạo.
Do đó, việc đào tạo tại chỗ theo phương thức kèm cặp của thợ lành nghề với người lao động mới tuyển dụng giúp người lao động sớm làm quen với công việc, tăng năng suất lao động khi vào làm việc chính thức.
Bên cạnh việc tự đào tạo tại chỗ về tay nghề, doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp tập huấn ngay tại các doanh nghiệp về văn hóa, thái độ, kỹ năng làm việc thực tiễn.
Để chương trình đào tạo sát với cơ sở thực tế của từng đơn vị, cần linh hoạt trong chọn lựa và kết hợp các phương án đào tạo tại chỗ giúp doanh nghiệp và người lao động hài hòa được thời gian dành cho nhiệm vụ sản xuất và học tập trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.