Thúc đẩy cải cách quan hệ lao động
Sự hợp tác của VCCI và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy những cải cách trong quan hệ lao động tại Việt Nam.
Chia sẻ với DĐDN, bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, VCCI và ILO luôn là những đối tác truyền thống và có những đóng góp rất hiệu quả trong tiến trình cải cách quan hệ lao động tại Việt Nam.
– Bà có thể nói rõ hơn về sự hợp tác của VCCI và ILO trong thúc đẩy cải cách quan hệ lao động tại Việt Nam?
ILO đã và đang hợp tác với VCCI và xem VCCI là 1 trong những đối tác quan trọng trong quan hệ đối tác ba bên nhằm đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm đầy đủ, năng suất và thỏa đáng. Trong đó, việc làm năng suất và thỏa đáng được ưu tiên cao nhất nhằm mục đích để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.
Đây cũng là lý do vì sao ILO đánh giá rất cao sự tham gia tích cực và đóng góp của VCCI vào việc xây dựng và thực thi chính sách, quy định liên quan đến việc làm và lao động, đặc biệt là thúc đẩy đối thoại xã hội và quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ ở cấp doanh nghiệp, và tiệm cận gần hơn đến những tiêu chuẩn lao động quốc tế.
ILO và VCCI đã hợp tác chặt chẽ thông qua các hoạt động định hướng chính sách về lao động và việc làm; tổ chức hội thảo chuyên đề, xây dựng năng lực cho người sử dụng lao động và doanh nghiệp của họ; phổ biến các kiến thức, các sự kiện truyền thông để thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng. Đồng thời, tăng cường đối thoại xã hội và thương lượng tập thể ở cấp doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia.
Vừa qua, VCCI và Chương trình BetterWork của ILO cùng dự án ngành điện tử đã triển khai Pha 2 của Chương trình tư vấn nhà máy nhằm cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng điện tử, với mục đích tăng cường hiểu biết và tăng cường pháp luật lao động, tiêu chuẩn lao động quốc tế trong ngành. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và đại diện của người lao động để đảm bảo tuân thủ và cải thiện các mối quan hệ tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, VCCI là một đối tác truyền thống của ILO và đóng vai trò quan trọng trong một số thể chế như Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng về an toàn vệ sinh lao động…
– Với nền tảng hợp tác chặt chẽ trong những năm vừa qua, bà có những kỳ vọng gì về việc hợp tác với VCCI trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc thúc đẩy những cải cách trong quan hệ lao động tại Việt Nam?
Chúng tôi tin tưởng việc hợp tác chặt chẽ với VCCI sẽ tiếp tục trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm việc cải thiện hơn các vấn đề liên quan đến đối thoại xã hội và quan hệ lao động, cũng như thúc đẩy thương lượng tập thể, hoặc các nội dung như an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, các vấn đề về lương, làm việc, phát triển kỹ năng, phát triển doanh nghiệp tăng năng suất lao động… cùng nỗ lực chung hướng tới công bằng xã hội cũng như việc làm bền vững và thỏa đáng.
Thông qua hợp tác chặt chẽ và sâu rộng với VCCI trong 4 chu kỳ của Chương trình quốc gia về việc làm bền vững, và gần đây nhất là hai bên đã ký kết chu kỳ mới 2022-2026 vào cuối tháng trước, tôi kỳ vọng rằng sẽ được chứng kiến những tiến bộ và thành công của VCCI. ILO cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục hợp tác đối tác năng động và hiệu quả với VCCI.
Tôi cũng kỳ vọng, việc hợp tác này sẽ hỗ trợ trong việc đạt được mục tiêu về việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người dân Việt Nam; cũng như sẽ đóng góp được vào chặng đường của VCCI trong việc thể hiện vai trò đại diện cho người sử dụng lao động.
Chúng tôi hy vọng VCCI vẫn giữ vai trò là đối tác năng động và chủ động trong những đối thoại, diễn đàn song phương và ba bên để cùng nhau nỗ lực giải quyết kịp thời các vấn đề và thách thức trong thế giới việc làm.
– Theo bà, đâu là những thách thức chính đối với Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm trong những năm tới?
Thế giới đang chứng kiến nhiều vấn đề mới phát sinh, những thách thức, thay đổi về công nghệ, số hóa, AI, già hóa dân số và sự xuất hiện của các hình thức việc làm mới. Thậm chí là những khủng hoảng như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và chúng ta vẫn đang ở giai đoạn cuối của đại dịch COVID-19.
Tất cả những yếu tố trên có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Trong bối cảnh này, ILO hoan nghênh sự hợp tác tích cực của VCCI trong việc cùng nhau hỗ trợ giải quyết các vấn đề và thách thức nêu trên như tham gia sâu rộng và tích cực trong việc xanh hóa nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động; dự báo kỹ năng nghề mới… nhằm đảm bảo quá trình chuyển dịch công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đảm bảo lực lượng lao động có kỹ năng nghề và được đào tạo là một trong những thách thức phải đối mặt ngày nay. Đây cũng là lĩnh vực mà các tổ chức như VCCI hay người sử dụng lao động nói chung có thể đóng góp tích cực thông qua một số lĩnh vực cụ thể như dự báo kỹ năng nghề, cung cấp cơ hội về đào tạo nghề.
Ngoài ra, việc tôn trọng và thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc cũng sẽ được xem là ưu tiên trong nơi làm việc. Sự tham gia của VCCI với tư cách là một trong số các đối tác xã hội quan trọng trong quá trình phê chuẩn, thực hiện và báo cáo để thúc đẩy nâng cao năng lực, hướng tới áp dụng toàn diện các nguyên tắc này tại nơi làm việc cũng rất quan trọng.
– Trên cương vị Giám đốc ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo bà đâu sẽ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của ILO trong thời gian tới?
ILO vừa ký kết Chương trình Quốc gia về việc làm bền vững chu kỳ mới 2022-2026 và có vạch ra 1 số ưu tiên mà ILO cùng các đối tác xem là quan trọng nhất cho Việt Nam trong chu kỳ này.
Ưu tiên thứ nhất là về quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và có tính đến yếu tố giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, doanh nghiệp nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng.
Ưu tiên thứ hai là hướng tới dịch vụ xã hội, hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm về giới và nhạy cảm với người khuyết tật; công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng.
Ưu tiên thứ ba là hướng tới một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên các quản trị được cải thiện, các thể chế hiệu quả hơn, phản hồi nhanh hơn và tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ các hình thức về bạo lực và phân biệt đối xử.
– Xin cảm ơn bà!
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp