[Ðắk Nông] “Khơi thông” hơn 1000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn giải ngân ở lĩnh vực này đạt thấp.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Trong năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Nông gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 481 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 330 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 307,3 tỷ đồng.
Tính đến giữa tháng 2/2023, nguồn vốn của cả 3 chương trình này vẫn chưa được giải ngân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Năm 2023, nguồn vốn dành cho các chương trình MTQG gần 1.120 tỷ đồng |
Theo Sở KHĐT, kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt từ rất sớm. Vậy nhưng, một số chương trình Trung ương vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản.
Nhiều văn bản đã ban hành, nhưng chưa phù hợp với thực tế. Một số chương trình, dự án được phê duyệt đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nhiều địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong quá trình thực hiện.
Đắk Glong là địa phương được thụ hưởng nhiều dự án thuộc 3 chương trình MTQG. Trong năm 2023, nguồn vốn các chương trình phân bổ cho địa phương khá lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, huyện gặp nhiều khó khăn.
Huyện Đắk Glong đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn các chương trình MTQG |
Theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định về các công trình đặc thù. Đây là lĩnh vực mới nên huyện còn lúng túng trong hướng dẫn về thiết kế mẫu, nội dung liên quan.
Đối với một số công trình đã được điều chỉnh và phân bổ chi thì gặp phải giá nguyên, vật liệu tăng cao. Đây là rào cản lớn, nhất là đối với những công trình trúng thầu trọn gói.
Riêng đối với chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn thiếu sự phối hợp.
“Cả một dự án lớn được phê duyệt bao gồm rất nhiều dự án nhỏ như: giao thông, dân dụng… Muốn triển khai hiệu quả, nhiều sở, ngành cần phối hợp thẩm định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm nên phía địa phương gặp khó khăn”, ông Thuần cho biết.
Tuyến đường liên thôn được xây dựng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức) |
Quyết tâm thực hiện
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển dành cho các chương trình MTQG chiếm 16% tổng vốn đầu tư công của Đắk Nông. Do đó, từ cấp tỉnh đến cơ sở phải thực sự quyết tâm, quyết liệt.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến chỉ đạo tất cả các huyện rà soát, tổng hợp và báo cáo kịp thời toàn bộ vướng mắc, khó khăn. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình trả lời vướng mắc cho các địa phương.
“Các huyện phải có sự đồng bộ, thống nhất cao trong thực hiện các chương trình này. Đối với những dự án, công trình nào thiết thực sẽ thực hiện trước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chỉ đạo.
Hộ nghèo xã Quảng Trực (Tuy Đức) được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển chăn nuôi |
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 1/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, năm 2023, áp lực về giải ngân vốn đầu tư rất lớn.
Toàn tỉnh phải quyết tâm giải ngân vốn tăng hơn 30% so với năm 2022. Trong đó, trọng tâm, trọng điểm là các chương trình MTQG.
“Bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề này”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Tổng vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại Ðắk Nông 2.394 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.136 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 502,5 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 755 tỷ đồng. |