Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”, được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì, diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Triển khai xúc tiến thương mại nhằm cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp
Hội nghị “giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023” do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức đã diễn ra ngày 31/1, nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị
Thông tin về tình hình kinh tế trong và ngoài nước tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm 2022 tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD…
“Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án xúc tiến thương mại triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới, hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại và hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại. Những hoạt động xúc tiến xuất khẩu này không thể thành công nếu không có sự phối hợp, đóng góp công sức, trí tuệ một cách tâm huyết và trách nhiệm của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”, ông Phú nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong những năm qua, năm 2023, các cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cũng như các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho từng nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống song song với phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng, như: Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Song song với đó là phát triển nhiều mặt hàng mới để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngoài ra, cần chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, nhất là những rào cản kỹ thuật mới, để kịp thời tham mưu những chính sách hợp lý, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng cần chú ý phổ biến, lan tỏa các chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước ta trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế tạo, chế biến; điện tử, hóa chất và năng lượng.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng lưu ý các cơ quan thương vụ cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước có những điều chỉnh kịp thời chiến lược, cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đông đảo các thương vụ, cơ quan sở, ngành, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần vào các hoạt động của Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Cũng tại Hội nghị kỳ tháng 1/2023 đã diễn ra 2 phiên chính tọa đàm trực tiếp của các đại diện thương vụ với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Trong đó, tại phiên 1, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Canada, Mexico, Brazil, Hồng Kông, UAE, Bỉ, Nga, Thụy Điển thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại, cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây.
Trong phiên 2, đại diện các hiệp hội (Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh); các cơ quan địa phương (gồm các Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắk, Hải Dương) đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, từ đó đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong thời gian tới./.
Theo Tạp chính Kinh tế & Dự báo