[Đà Nẵng] Tiếp tục dành nguồn lực lớn để chống ngập úng
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn và phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác, nhưng thành phố vẫn dành nhiều kinh phí để đầu tư và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2024 với nhiều công trình chống ngập úng và bảo vệ môi trường.
Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn được bố trí kinh phí vận hành năm 2024 để tiếp tục cải thiện môi trường khu vực phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong dự toán chi thường xuyên ngân sách thành phố cho các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực năm 2024, tổng chi cho công tác bảo vệ môi trường là hơn 505 tỷ đồng, chiếm 5,89% tổng chi ngân sách thành phố. Từ dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2024 được UBND thành phố bố trí hơn 180 tỷ đồng, Sở Xây dựng đã phân bổ 300 triệu đồng cho công tác ứng phó và khắc phục sự cố nước thải tràn ra biển; 1,2 tỷ đồng duy trì vệ sinh môi trường 4 hồ: Bàu Gia Hạ, Bàu Gia Thượng, Bàu Sấu, Bàu Làng; 67 tỷ đồng để quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Đồng thời, phân bổ 6,7 tỷ đồng để đại tu các máy bơm chống ngập tại các trạm chống ngập (Thuận Phước, Đảo Xanh, Trương Chí Cương – Nguyễn Xuân Nhĩ) và 106 tỷ đồng để thực hiện dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, thành phố và Sở Xây dựng luôn quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động thực hiện dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Năm nay, dự toán kinh phí có bổ sung thêm tiền điện để vận hành các trạm bơm và kinh phí vận hành một số công trình mới được bàn giao để bảo đảm công tác chống ngập úng đô thị.
Ngoài kinh phí sự nghiệp môi trường, Sở Xây dựng cũng bố trí 2,8 tỷ đồng cho công tác hỏa táng; 156 tỷ đồng để thực hiện dịch vụ duy trì hệ thống cây xanh đô thị và trồng hoa vào các dịp lễ…, bảo đảm cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố… Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong đã giao các cơ quan, đơn vị căn cứ chế độ, định mức chi tài chính hiện hành và dự toán được giao nói trên, chủ động cân đối, sắp xếp, điều chỉnh, phân bổ đủ kinh phí cho các nhiệm vụ chi của cơ quan, đơn vị, bảo đảm hợp lý, tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên kể cả các nhiệm vụ phát sinh trong năm trong phạm vi dự toán được giao.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, thành phố bố trí 45 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu; 200 triệu đồng để thực hiện xử lý ngập úng tại khu vực tổ 1, 2, 5 và 6, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê); 55 tỷ đồng để khởi công và xây lắp tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Trần Hưng Đạo nối dài (đoạn từ cầu Tiên Sơn đến Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn) và 170 tỷ đồng để khởi công, xây lắp hệ thống thu gom nước thải khu vực phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Thành phố bố trí hơn 254 tỷ đồng để thanh toán khối lượng thi công 12 công trình bảo vệ môi trường, trong đó, bố trí hơn 194 tỷ đồng để thanh toán cho khối lượng thi công 11 công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2023; 20 tỷ đồng để thanh toán khối lượng thi công dự án Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hòa Khánh (giai đoạn 2) với công suất 5.000m3 /ngày và 40 tỷ đồng để khởi công, xây lắp Trạm trung chuyển rác sinh hoạt tại khu vực quận Cẩm Lệ.
Thành phố cũng bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư trong năm 2024 đối với 60 công trình cấp nước, thoát nước, đáng chú ý là những công trình như xử lý thoát nước để chống ngập úng cho khu vực xung quanh Sân bay Đà Nẵng; xây dựng tuyến cống thoát nước từ hồ Xuân Hòa A ra đến vịnh Đà Nẵng để chống ngập úng khu vực đường Hà Huy Tập và dọc kênh Phần Lăng; tuyến cống thoát nước số 2 và nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Như Hạnh để chống ngập úng khu vực Khe Cạn; đầu tư tuyến cống thoát nước dọc đường Phùng Hưng đoạn từ sông Phú Lộc ra đường Nguyễn Tất Thành để chống ngập úng khu vực đường Mẹ Suốt, đường Yên Thế – Bắc Sơn; tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng về kênh thoát lũ Hòa Liên (xử lý ngập úng ở khu vực thấp); hệ thống thu gom, xử lý nước thải các khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) về Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu…
Đồng thời, bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư 22 công trình bảo vệ môi trường, trong đó có đầu tư xây dựng hộc rác số 7 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn; các trạm trung chuyển rác sinh hoạt tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) và cải tạo, mở rộng, nâng công suất trạm trung chuyển rác sinh hoạt ở đường Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê)…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho rằng, thành phố đang tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và tăng cường kêu gọi xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn thu phí môi trường, nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường…