Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam cần làm gì để duy trì tính cạnh tranh?
15% thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng từ năm sau. Vậy Việt Nam cần làm gì để thích ứng với quy tắc thuế mới này?
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức các nước phát triển (OECD) khởi xướng và dự kiến sẽ được thực thi từ năm sau. Đây là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, thuế này ra đời nhằm 2 mục đích: Thứ nhất là hạn chế cuộc đua xuống đáy đối với ưu đãi về thuế, nhất là với các nước đang phát triển; Thứ hai, để tận dụng nguồn thu thuế, đặc biệt là giảm hiện tượng trốn thuế, chuyển giá.
Đầu tháng 2, OECD công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật. Dự kiến, cải cách trên sẽ giúp tạo ra thêm 220 tỷ USD thu nhập thuế trên toàn cầu. Trước đó, tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí mức thuế tối thiểu này trong toàn khối.
Cụ thể, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Giả sử một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, họ đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 12%, mức chênh lệch 3% còn lại, họ sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính, chính là Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, ít nhất 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu họ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức các nước phát triển (OECD) khởi xướng và dự kiến sẽ được thực thi từ năm sau. Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư.
Sớm nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu
Thời gian tới, ưu đãi thuế sẽ không hoàn toàn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Còn nếu không, toàn bộ số thu chênh lệch sẽ chuyển về các quốc gia khác.
“Thứ nhất, rõ ràng là họ vẫn phải nộp mà chúng ta lại mất đi phần đó. Thứ hai, chúng ta lại không theo kịp xu hướng hội nhập cuộc chơi toàn cầu. Thứ ba, chúng ta lại đánh mất đi cơ hội cải cách mạnh mẽ hơn nữa”, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định.
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài trong những năm đầu như ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn…
Theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Bộ Tài chính cho biết, sẽ áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, để thu hồi lại những ưu đãi trực tiếp từ thuế này hiện nay.
Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thông tin: “Trước hết, Bộ Tài chính theo sự chỉ đạo của Chính phủ, sẽ chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kì họp tháng 5. Các giải pháp áp dụng ngay trong năm 2024 sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua trong phiên họp tháng 10 năm nay và dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2024”.
Các đơn vị tư vấn cũng kiến nghị, sau khi xây dựng thuế tối thiểu nội địa, để Việt Nam không bị giảm sức hấp dẫn với doanh nghiệp FDI cũng cần sớm có nhiều chính sách ưu đãi khác để bù lại.
Xây dựng các chính sách mới thu hút đầu tư nước ngoài
Trong suốt nhiều năm qua, ưu đãi thuế luôn được xem là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng thực tế nó không phải công cụ duy nhất. Trong khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), khi được hỏi Việt Nam nên làm thế nào để nào để cải thiện việc thu hút đầu tư đã có đến 70% thành viên trả lời là cần cải thiện thủ tục hành chính, 53% muốn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, 47% đề xuất đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh, giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ưu đãi thuế gần như là đứng cuối cùng với 28%. Như vậy, ưu đãi thuế không phải là công cụ quan trọng nhất trong thu hút dòng vốn ngoại. Do vậy, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách ưu đãi khác.
Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008, với quy mô lên đến 20 tỷ USD. Năm ngoái, xuất khẩu là 65 tỷ USD. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, doanh nghiệp dự kiến sẽ phải nộp bổ sung một khoản thuế lớn. Trao đổi tại một hội thảo, doanh nghiệp đề xuất, Việt Nam nhanh chóng xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính mới.
Ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết: “Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”.
Trước ý kiến hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp FDI, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này không phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như quy tắc thuế tổi thiểu toàn cầu, khi ràng buộc các quốc gia không được trả quyền lợi hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào ngược lại cho các doanh nghiệp. Do đó, các khoản hỗ trợ chi phí khá có thể được xem xét.
“Giảm trừ các chi phí về giá điện, ví dụ giảm ở một tỉ lệ nhất định. Có thể chúng ta giảm trừ chi phí về đào tạo cán bộ công nhân viên, có thể giảm các chi phí về an sinh xã hội cho việc thuê nhà, thuê xe vận chuyển công nhân đến nơi làm việc…”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam triển khai thuế tối thiểu nội địa (QMDT) thì có thể dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.
Bà Nguyễn Vân Chi – Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Thái Lan đang dự kiến phân bổ 50 – 70% số thuế QDMT cho quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh của Uỷ ban đầu tư. Tôi nghĩ kinh nghiệm này của Thái Lan cũng rất tốt. Ít nhất là nó cũng phù hợp với Việt Nam, khi người ta đang xây dựng dự thảo để nó nằm trong tổng thể chung khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu”.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với Ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số quốc gia châu Á đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nhà đầu tư lớn của Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, Việt Nam không thể chậm chân trong việc xây dựng các chính sách thích ứng với thuế này và thu hút đầu tư.