[Thừa Thiên Huế] Lên kế hoạch đón ‘đại bàng’ đầu tư du lịch, dịch vụ
Theo ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND TP. Huế, để giải quyết bài toán cân đối thu – chi ngân sách và bảo tồn di sản, thu hút đầu tư dự án lớn vào thành phố, Huế đã có những kế hoạch cơ bản.
Theo đó, Huế tập trung xây dựng quy hoạch phát triển bền vững ; ưu tiên phủ kín quy hoạch phân khu, tiếp tục triển khai đồng bộ quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong đó xác định rõ các khu vực cần bảo tồn di sản và các khu vực có thể phát triển dự án; điều này giúp tránh xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Huế cũng sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới; phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, cần nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu vực Lăng Cô – Bạch Mã, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và quần thể di tích cố đô Huế…
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế – xã hội. Nhất là hạ tầng phát triển kinh tế và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh như kinh tế biển, du lịch, công nghiệp văn hóa , kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Huế tạo điều kiện thu hút nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đồng bộ và hiện đại, các chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh nguồn thu ngân sách xứng tầm đô thị của quốc gia.
Khi khuyến khích đầu tư vào du lịch và dịch vụ, Huế tập trung thu hút các dự án đầu tư lớn có tính dẫn dắt, đột phá, những lĩnh vực có thể mang lại doanh thu cao mà không làm tổn hại đến di sản; ưu tiên phát triển các dự án lớn, vừa và nhỏ cách xa các khu vực bảo tồn di sản, văn hoá. Các sản phẩm du lịch văn hóa, trải nghiệm truyền thống cũng được ưu tiên phát triển.
Mặt khác, thành phố Huế tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi mới cho những nhà đầu tư tham gia vào các dự án, đặc biệt là các dự án bảo tồn và phát triển văn hóa. Theo Chủ tịch UBND TP. Huế, điều này không chỉ thu hút đầu tư mà còn đảm bảo cho các dự án được triển khai một cách hợp lý.
Để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến bảo tồn và phát triển, Huế quan tâm đào tạo và nâng cao năng lực, đảm bảo các kỹ năng và kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Ngoài ra, Huế tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để được hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các dự án bảo tồn di sản , từ đó giảm áp lực tài chính cho ngân sách địa phương.
“Những kế hoạch này không chỉ giúp cân đối thu chi ngân sách mà còn bảo đảm rằng, sự phát triển của thành phố Huế diễn ra một cách bền vững, hài hòa giữa hiện đại và truyền thống”, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.