[Thừa Thiên Huế] Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.
Khách du lịch tham quan Hue Ecolodge |
Đồng bộ hạ tầng
Dự án (DA) nâng cấp tuyến đường Bùi Thị Xuân được phê duyệt đầu tư nằm trong gói thầu 27 thuộc DA Chương trình phát triển các đô thị loại 2, do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Tuyến đường có chiều dài gần 3km, nối từ cầu Long Thọ đến khu vực Lương Quán, đây được xem là tuyến đường huyết mạch đưa du khách đến với các khu du lịch nhà vườn Thủy Biều. Sau thời gian thi công, hiện hạ tầng giao thông toàn tuyến cơ bản hoàn thành, chủ đầu tư đang tiến hành thi công vỉa hè và một số hạng mục liên quan. Mặc dù mới thông tuyến chưa lâu, song diện mạo và tiện ích do DA mang lại đối với khách du lịch đến với các khu du lịch nhà vườn Thủy Biều thấy rõ khi số lượng khách tăng đột biến.
Quản lý Hue Ecolodge resort (số 2 Lương Quán, Thủy Biều), bà Trần Thị Kim Lài cho biết, trước đây mỗi lần du khách đến tham quan hoặc lưu trú tại Hue Ecolodge bằng xe du lịch 45 chỗ gặp khá nhiều bất lợi khi đến cầu Long Thọ phải dừng lại để thực hiện việc trung chuyển do cầu yếu. Trong khi đó, khách của Hue Ecolodge đa phần là du khách nước ngoài và họ thường chọn phương tiện xe 45 chỗ để di chuyển nên không chỉ du khách không hài lòng về hạ tầng du lịch, mà các hãng lữ hành cũng phàn nàn và “cắt giảm” tour nên lượng khách giảm đáng kể.
“Sau khi tuyến đường Bùi Thị Xuân hoàn thành, khách đặt tour tham quan cũng như lưu trú tại Hue Ecolodge tăng đột biến, trong đó nhiều hãng lữ hành đã phản hồi thông tin theo chiều hướng tích cực, DN cũng giảm bớt các khoản chi phí so với trước nên tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo đó, hiện Hue Ecolodge có hơn 50 phòng lưu trú cùng với các nhà hàng, dich vụ bổ trợ với công suất đặt phòng lên đến 65 – 80%”, bà Lài vui vẻ.
Khách du lịch đạp xe tham quan nhà vườn Thủy Biều ở đầu đường Lương Quán |
Ông Antoine Mercier, du khách Pháp chia sẻ: “Tôi đã đến Việt Nam, đến Huế và lưu trú tại Hue Ecolodge rất nhiều lần. Song lần này cảm giác thật tuyệt khi hạ tầng giao thông hoàn thiện nên có thể đạp xe dạo quanh các khu nhà vườn, thăm thú các làng nghề trên con đường rộng rãi”.
Gần đây, hàng chục hộ dân ở khu vực đường đi bộ ven sông Như Ý cũng được hưởng lợi từ DA xây dựng bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý. Với chiều dài gần 1,6km từ Đập Đá (phường Phú Hội) đến cầu Vân Dương (phường Xuân Phú), tuyến đường không chỉ góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Huế mà còn giúp các hộ dân phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, giải khát đã tận dụng mặt tiền phía trước đường đi bộ để đầu tư xây dựng các homestay, quán cà phê phục vụ du khách, tạo nên một không gian sinh động cho cả khu vực bờ sông.
Theo chị Ngọc Minh, chủ quán cà phê ở đường đi bộ dọc sông Như Ý, trước đây quán cà phê của chị nằm ở một kiệt nhỏ đường Nguyễn Công Trứ, chủ yếu chỉ phục vụ khách bình dân với lượng khách vừa phải. Sau khi DA đường đi bộ dọc sông Như Ý triển khai, chị đã đầu tư kinh phí xây dựng lại quán và đổi mặt tiền quán từ tuyến kiệt Nguyễn Công Trứ sang phía bờ sông nên hiện khách khá đông, trong đó có cả khách du lịch.
Kết nối hạ tầng đô thị
9 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Huế đạt 2,58 triệu lượt khách, khách lưu trú ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch 9 tháng đạt 4.958 tỷ đồng, tăng 38,3%. Trong đó, nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các chương trình trong khuôn khổ Festival Huế 2024 được tổ chức có chất lượng, thu hút lượng lớn du khách đến với Huế.
Cùng với các DA đã và đang hoàn thiện, mới đây UBND TP. Huế có quyết định đầu tư DA chỉnh trang bờ sông Hương kết hợp bến thuyền dọc công viên Bùi Thị Xuân, với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư xây dựng DA nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, xanh hóa, gia cố bờ sông Hương, tạo điểm nhấn du lịch hai bên bờ sông Hương kết hợp bến thuyền dọc công viên Bùi Thị Xuân phục vụ du lịch, phát triển kinh tế – xã hội.
Để kích cầu và thu hút khách, cùng với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thời gian tới, TP. Huế tiếp tục tập trung các DA kết nối đô thị, giao thông, lề đường, điện chiếu sáng, đồng thời tăng cường các tiện ích đô thị, như: Hệ thống đường dạo, bãi đỗ xe, camera giám sát, nhà vệ sinh công cộng; đầu tư các tuyến đường nội đô, tuyến đường của các phường, xã vùng ven góp phần làm cho diện mạo thành phố ngày càng sạch, đẹp, từng bước tạo đột phá về hạ tầng, không gian, cảnh quan du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, thành phố đã xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm của kinh tế thành phố. Sắp tới, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị nói chung, hạ tầng đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn nói riêng nhằm kích cầu và thu hút khách. Cùng với đó là đầu tư hoàn chỉnh các khu phố đêm, các tuyến phố đi bộ, hạ tầng du lịch – dịch vụ để phát triển kinh tế đêm; trong đó, quan tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, ẩm thực Huế, phát triển gắn liền với việc khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường; góp phần xây dựng, bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng và văn minh đô thị Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố.