[Thừa Thiên Huế] Doanh nghiệp xuất khẩu: Thách thức trong thiếu hụt lao động
Lao động sản xuất tại Công ty CP Dệt may Phú Hòa An |
Thời điểm này, bộ phận nhân sự Công ty Scavi Huế, đóng tại KCN Phong Điền đang tất bật với công tác tuyển dụng. Số lượng công ty cần tuyển dụng thời điểm hiện tại là 1.500 lao động, trong đó phần lớn là tuyển dụng cho vị trí may, cắt, trải vải, đi làm ngay sau khi phỏng vấn. Mức lương trung bình cho các vị trí là 8 triệu đồng/người/tháng. Lao động trúng tuyển vào làm việc được hưởng mọi chế độ phúc lợi theo quy định. Đại diện Công ty Scavi Huế cho biết, công ty đã dùng nhiều kênh khác nhau để tuyển dụng. Đó là đăng tải liên tục trên website, fanpage, facebook, zalo… của công ty; tham gia các ngày hội việc làm để tuyển dụng. Để thu hút người lao động, Công ty Scavi Huế đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, như thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng, hỗ trợ cơm ca, xe đưa đón và nhà ở chung cư. Công ty còn hỗ trợ người lao động có con nhỏ với khoản trợ cấp 400.000 đồng/tháng, tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm và hỗ trợ học phí cho con người lao động tại Trường mầm non Scavi 4,3 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đang có những khởi sắc. Đơn hàng của công ty đã có cho cả năm sau. Số lượng lao động tuyển dụng thêm, chủ yếu phục vụ cho chiến lược mở rộng sản xuất, kinh doanh của công ty. “Công ty đang có dự định nâng cao công suất sản xuất cũng như hiệu suất sản phẩm nên tuyển dụng thêm lao động”, ông Trần Văn Mỹ nói.
Theo ông Lê Hồng Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, đầu tháng 9 này, công ty đã phát triển thêm dây chuyền sản xuất và cần tuyển thêm hàng trăm lao động. Để thu hút nguồn nhân lực, công ty đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông tuyển dụng qua nhiều kênh như biển quảng cáo, tờ rơi và mạng xã hội. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách an sinh để thu hút người lao động.
Thời điểm này, nhiều DN tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản… để tăng cường cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm và cả đầu năm 2025.
Công nhân trên địa bàn thị xã Hương Trà sản xuất gạch không nung xuất khẩu |
Sốt ruột với nhiều chuyền may đang trống do thiếu hụt lao động, trong lúc đơn hàng lại bị đối tác thúc giục, ông Phạm Gia Định, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Thiên An Phú, KCN Phú Bài thông tin, công ty đang gấp rút tuyển dụng ít nhất 500 công nhân may để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng đang đàm phán để có những đơn hàng sở trường, giá cả phù hợp để có điều kiện tăng thêm thu nhập và phúc lợi cho người lao động.
Sản xuất những đơn hàng có tính đặc thù, phải mất nhiều thời gian đào tạo lao động nên nhiều DN như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, Công ty Sản xuất gạch không nung Hoa Mặt Trời,… luôn ưu tiên giữ chân người lao động. Theo ông Nguyễn Quốc Lý, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, thấm thía cảnh thiếu hụt lao động, ngay cả những thời điểm thiếu đơn hàng trầm trọng, công ty cũng không cắt giảm lao động. Tuy nhiên, năm nay, do công ty mở rộng sản xuất nên hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 300 lao động kèm nhiều chính sách ưu đãi, nhưng vẫn khó để đạt được con số này.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ lao động. Một trong những nguyên nhân chính là do người lao động nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội mới. Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô tuyển dụng ra các tỉnh khác và liên kết với các trường nghề, đại học để nhận sinh viên vào thực tập.
Trước tình trạng khan hiếm lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối cung – cầu lao động. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đồng thời tuyên truyền thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông, nhằm giúp người lao động, đặc biệt là những người thất nghiệp hoặc bị mất việc làm sớm quay trở lại thị trường lao động.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao vào cuối năm 2024 đang mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thách thức về việc thiếu hụt lao động vẫn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo sẽ là yếu tố quyết định giúp thị trường lao động ổn định và phát triển trong thời gian tới.