Tăng cường liêm chính trong kinh doanh tạo thuận lợi trong doanh nghiệp
Khảo sát thường niên của VCCI tiến hành về cảm nhận tham nhũng của doanh nghiệp từ năm 2016 đến nay cho thấy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã giảm đều đặn và tích cực, giảm cả trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cho đến cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Tham nhũng tiêu cực sẽ làm suy yếu bộ máy Nhà nước, làm giảm chất lượng điều hành và làm mất cơ hội phát triển đất nước. Đối với doanh nghiệp tham nhũng sẽ tạo ra cản trở về gia nhập thị trường, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp hàng hóa Việt Nam… Do đó tăng cường liêm chính trong kinh doanh sẽ tạo thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển, trong doanh nghiệp.
Thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực được lãnh đạo chỉ đạo được triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, được tiến hành ráo riết, quyết liệt kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản đi vào chiều sâu.
Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu khi đó tính liêm chính sẽ được tăng cường
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như các thành phần khác trong xã hội, đối với giới doanh nghiệp, doanh nhân vấn đề tham nhũng tiêu cực, liêm chính ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp.
Khảo sát thường niên của VCCI tiến hành về cảm nhận tham nhũng của doanh nghiệp từ năm 2016 đến nay cho thấy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã giảm đều đặn và tích cực, giảm cả trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cho đến cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo đó, năm 2016 doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức lên đến 66%, nhưng điều tra năm 2023 đã giảm còn 33,3%. Hằng năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hoạt động thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp phép đầu tư, thủ tục về thuế… có chiều hướng giảm rất là tích cực.
Mặc dù vậy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, vẫn còn có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước, hình thành các “nhóm lợi ích”, thậm chí còn chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Vì thế để giảm tham nhũng tiêu cực, nâng cao hoạt động liêm chính trong thời gian tới đối với khu vực công, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm: “Cần hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng tự do hóa kinh doanh, giảm điều kiện kinh doanh, cấp phép, xin phép, giảm độc quyền và tăng cường hội nhập quốc tế. Khi điều kiện kinh doanh được nới lỏng, khi xin cho giảm thì tham nhũng trong tương tác giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước sẽ giảm.
Công khai minh bạch các quy định của pháp luật của thủ tục hành chính trên nền tảng công nghệ số
Cần phải công khai minh bạch các quy định của pháp luật của thủ tục hành chính khi thủ tục hành chính được niêm yết công khai trên nền tảng công nghệ số, cũng như điện tử thì tương tác giữa doanh nghiệp và công chức trực tiếp sẽ giảm và khi đó giảm tham nhũng tiêu cực hơn rất nhiều”.
Đối với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, những doanh nghiệp làm ăn với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp xuất khẩu đến các thị trường có tiêu chuẩn cao thì tính liêm chính trong quản trị của những doanh nghiệp rất cao. Vì thế cho rằng, một trong những giải pháp rất tích cực là cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và tham gia hợp tác làm ăn với các tập đoàn lớn, khi đó tính liêm chính sẽ được tăng cường.
“Trong quản trị công ty nâng cao vai trò của Ban kiểm soát, sử dụng cơ chế để có thể tăng cường tính công khai, minh bạch. Đặc biệt chúng tôi thấy rằng đối với quốc tế thì những bộ quy tắc, những quy tắc ứng xử của Hiệp hội ngành hàng rất quan trọng – Vì thế nếu chúng ta các Hiệp hội ngành hàng, các Hiệp hội doanh nghiệp của chúng ta nâng cao vai trò của mình và tăng cường ban hành và thực hành bộ tiêu chuẩn về ứng xử liên quan đến liêm chính, chống tham nhũng, tiêu cực thì yếu tố đó rất quan trọng” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.