[Quảng Trị] Tập trung khai thác lợi thế của Hành lang kinh tế Đông – Tây
Nằm ở điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây về phía Việt Nam, tỉnh Quảng Trị có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Tại cuộc làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác trung ương mới đây, vấn đề khai thác lợi thế Hành lang kinh tế Đông – Tây được lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành đặt ra, bàn thảo để làm sao có thể khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế mà hành lang này mang lại để thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển vượt bậc, tạo liên kết phát triển với các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bước đầu phát triển đều khắp các địa bàn, trong đó đã và đang xây dựng nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược nhằm tăng cường kết nối liên vùng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây; đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, Cam Lộ – La Sơn.
Tiếp tục đầu tư phát triển các hành lang kinh tế như Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo; đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu; nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu xuyên biên giới để mở rộng không gian phát triển về phía Tây; phát triển dịch vụ logistics, tập trung tại Khu kinh tế Đông Nam, các cửa khẩu quốc tế.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai xây dựng Cảng biển Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị và hạ tầng kết nối các hành lang và vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực của tỉnh; từng bước hình thành hành lang đường bộ 15D từ Cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối với vùng nông sản hàng hóa của cao nguyên Bolaven trù phú của các tỉnh Nam Lào giàu tài nguyên khoáng sản, các tỉnh phía Bắc Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; xây dựng phương án tổng thể vận chuyển than đá từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Cảng Mỹ Thủy và hạ tầng cấp thiết tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng hiện nay tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế, trong đó các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế; hệ thống giao thông kết nối để liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các vùng, miền chưa đồng bộ…
Để khai thác lợi thế vị trí của tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, tỉnh rất cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành về phát triển hạ tầng giao thông trục dọc để kết nối hành lang kinh tế ven biển, trọng tâm là phát triển Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Quảng Trị, các ngành công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistics, các khu du lịch sinh thái đô thị, kết nối với đảo Cồn Cỏ; xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy trở thành cảng cửa ngõ, trung chuyển của khu vực miền Trung và của Hành lang kinh tế Đông – Tây. Tập trung phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với các tỉnh của nước bạn Lào để phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Xác định hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào là định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các bộ, ngành với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị nâng cao hiệu quả trong hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào, phấn đấu trở thành trung tâm logistics của các tỉnh Trung và Nam Lào.
Trước mắt là chỉ đạo triển khai các dự án giao thông kết nối tuyến đường 15D nối từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay; đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh tại Lào; sớm triển khai mô hình Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan để rút kinh nghiệm, có thể nhân rộng tại các địa phương khác trên tuyến biên giới Việt- Lào.
Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực phát triển hạ tầng của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, khi có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi mới, chắc chắn việc mở rộng không gian phát triển, tận dụng tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh để phát triển sẽ trở thành hiện thực, giúp tỉnh có thêm điều kiện để phát triển KT-XH nhanh, bền vững.