[Quảng Trị] quyết liệt trên “đường đua” PCI
Với sự quyết tâm cao nhất trong việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Quảng Trị tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ có những đánh giá khách quan nhất trong PCI năm 2023.
Quyết liệt trên “đường đua” PCI
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, VCCI sẽ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI năm 2023. Dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng chính quyền 63 tỉnh/thành luôn đặt mục tiêu cao nhất để cải thiện và nâng cao thứ hạng lên vị trí xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm của mình, từ đó kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp.
Nhìn lại “chặng đường PCI” những năm qua, công bằng mà nói, dù tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả xếp hạng PCI vẫn chưa được như kỳ vọng. PCI của tỉnh vẫn nằm trong nhóm trung bình của cả nước và của 12 tỉnh Duyên hải miền Trung.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực khi một số Chỉ số thành phần tăng điểm hơn so với năm trước, như chỉ số “Chi phí thời gian” (7,35 điểm – cao nhất từ 2015 trở lại đây); Chỉ số “Chi phí không chính thức” (6,96 điểm – tăng 0,7 điểm so với 2021); Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng, “Đào tạo lao động” đều tăng điểm so với trước đó. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách của hệ thống chính trị tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Có thể hiểu việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là tiến trình không bao giờ kết thúc và cũng không thể dễ dàng thực hiện khi 63 tỉnh/thành đều tham dự vào “cuộc đua” với sự quyết tâm cao. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – Võ Văn Hưng, mục tiêu cải thiện PCI của tỉnh Quảng Trị không thay đổi, đó là nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo sự đồng thuận, hài lòng từ thương giới để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ông Võ Văn Hưng cho rằng, Chỉ số PCI được ví là chặng đường đua không có điểm dừng của các địa phương, thể hiện uy tín của địa phương đối với doanh nghiệp.
Sau mỗi lần VCCI công bố, tỉnh đều nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc nhất, “mổ xẻ” những nguyên nhân gây mất điểm và bàn các giải pháp tháo gỡ. Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, công chức, viên chức thực thi nghiêm túc, nhất quán, đầy đủ các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ đến UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI đã từng ban hành, nhất là các nhiệm vụ, công việc liên quan đến doanh nghiệp.
Lắng nghe, cầu thị, “vướng” đâu “gỡ” đó
Với tinh thần và sự quyết tâm cao trong cuộc đua PCI, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn lắng nghe, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác quản lý, điều hành kinh tế địa phương. Do đó, Quảng Trị xác định nhu cầu và không gian cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn rất lớn và quá trình cải cách là một hành trình, cần liên tục mạnh mẽ, bền bỉ bước tiếp để leo lên những nấc thang thành công mới.
Để tiếp tục nâng điểm các chỉ số thành phần đã tăng điểm cần lưu ý, dù cải cách hành chính có bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực nhiều doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà như: lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội hoặc trong việc cấp phép kinh doanh có điều kiện và một số loại giấy tờ cần thiết khác để doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Nhìn lại hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – Võ Văn Hưng đã từng nói: “Đối thoại là để tạo nên sự gắn kết giữa chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các doanh nghiệp “cứ nói đi, đừng e ngại”, từ đó cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng. Doanh nghiệp phát triển thì tỉnh phát triển, doanh nghiệp khó khăn thì tỉnh khó khăn”.
Quảng Trị tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Buổi đối thoại này cũng như bao cuộc đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp khác, đây là dịp để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của doanh nghiệp sẽ là nguồn tư liệu, căn cứ quan trọng để tỉnh có những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị phát triển trong thời gian tới.
“Chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển có phần vì cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp đóng góp ý kiến với mong muốn tham mưu cho tỉnh một cơ chế chính sách thống nhất, một con đường thống nhất, một mục tiêu cùng hướng tới. Doanh nghiệp chúng tôi không đến để xin hỗ trợ, cũng không ngồi chờ đợi, chỉ muốn được tạo điều kiện thoáng để làm ăn chính đáng và phát triển”, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị bày tỏ tại hội nghị đối thoại.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị – Võ Thái Hiệp thì cho rằng, dù phần nhiều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Trị cũng có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh. Việc lãnh đạo tỉnh lắng nghe, cầu thị ý kiến của doanh nghiệp đã mang đến những tín hiệu tốt đẹp cho sự phát triển đó.
Năm 2024 là năm bứt phá, có tính chất quyết định để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021-2025), vì vậy tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với quyết tâm nâng cao chỉ số PCI không những để thăng hạng, mà Quảng Trị đang đặt ra kỳ vọng với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hoàn hảo, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Quảng Trị nhiều hơn nữa, đó cũng chính là tiền đề, động lực để Quảng Trị vươn lên phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững.