[Quảng Trị] Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu
Mới đây, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023, tỉnh Quảng Trị đã có những đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chợ chuối mật mốc Tân Long nhộn nhịp khi giá chuối xuất khẩu tăng cao trở lại – Ảnh: H.A
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp, bên cạnh những kết quả đạt được, khối công thương địa phương còn một số hạn chế, như: mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành công thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ…
Tính chung quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.
Có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2023 ước tính đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của các địa phương là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Bên cạnh những nguyên nhân trên, trong nước sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm…
Riêng tỉnh Quảng Trị, trong quý I/2023 hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì ổn định, nhịp độ tăng trưởng khá; chỉ số IIP ước tăng 13,79% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí… tăng 37,01%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,87%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,85%…
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển; hàng hoá trên thị trường phong phú, đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 7.327,04 tỉ đồng (tăng 16,39% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 121,94 triệu USD (Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ước đạt 86,44 triệu USD; Cửa khẩu quốc tế La Lay ước đạt 35,5 triệu USD), giảm 21,57% so với cùng kỳ năm 2022…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã kiến nghị với Bộ Công thương các vấn đề như cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thủ tục đàm phán nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng chuyển tiếp trong thời gian tới. Quan tâm hỗ trợ vốn từ trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Bởi hiện nay, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra chậm do chủ yếu được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên còn khó khăn trong bố trí vốn; điều kiện hấp dẫn, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp…
Hiện nay, thủ tục để triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp đang thực hiện theo quy định như chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư năm 2020 và thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Vì vậy, Bộ Công thương sớm thống nhất hướng dẫn để triển khai thực hiện nhằm tinh giản thủ tục hành chính.
Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành trung ương quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo các chợ thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025…
Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chợ; ban hành nghị định về quản lý siêu thị, trung tâm thương mại để các địa phương đồng nhất áp dụng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hạ tầng thương mại.
Bộ Công thương sớm trình Chính phủ công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ để địa phương công bố theo quy định tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025…; đề xuất phương án đơn giản hóa, cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Bộ Công thương cần hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi hiện tại ngành dệt may và chế biến gỗ gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, thị trường tiêu thụ…
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Bộ Công thương cần ban hành chương trình, kế hoạch để địa phương triển khai thực hiện. Bộ Công thương ủng hộ tỉnh Quảng Trị trong việc nâng cấp hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay và đầu tư xây dựng tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy góp phần giao thương hàng hóa…