[Quảng Ngãi] Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương
Tuy đã xác định được các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc sản địa phương, nông sản đặc trưng vùng miền, nhưng hầu hết các sản phẩm chủ lực, nông sản địa phương được tiêu thụ ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, nên hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Sau thời gian chật vật vì đầu ra bấp bênh, đến nay, tỏi Lý Sơn dần ổn định và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua các chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Như Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, sau gần 3 năm nghiên cứu, triển khai các giải pháp khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn, DN này đã hình thành chuỗi liên kết với sự tham gia của 181 hộ nông dân, quy mô diện tích 10ha.
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng tỏi gia tăng (đạt 63,4 tạ/ha, tăng 3,4 tạ/ha), đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sâu các sản phẩm, gồm: Tỏi đen, nước tỏi đen mật ong, bột tỏi và paste tỏi. Các sản phẩm được thị trường đón nhận, góp phần gia tăng giá trị cây tỏi cũng như thu nhập cho người dân.
Bà Dương Thị Loan, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) chia sẻ, dù sản xuất hơn 10 sào tỏi, nhưng từ khi liên kết sản xuất với công ty Nông Tín, tôi không còn lo chuyện sản phẩm bị tồn đọng mỗi khi thu hoạch. Nhưng để được công ty bao tiêu đầu ra, tôi phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đặc biệt là không sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ sức khỏe bản thân, môi trường và chất lượng tỏi.
Chế biến sâu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm là một trong những giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu tỏi Lý Sơn. Trong ảnh: Phân loại, đóng gói tỏi đen tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh (Lý Sơn). |
Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh không chỉ thành công trong việc sản xuất và chế biến các sản phẩm cao cấp từ tỏi Lý Sơn, như: Tỏi đen cô đơn, cao tỏi đen, rượu tỏi đen… mà còn xây dựng mô hình “Khu vực trải nghiệm trồng hành, tỏi truyền thống Lý Sơn”. Để có được mô hình trên, nhiều năm qua, DN này đã nỗ lực cải tạo quy trình và thói quen sản xuất của nông dân, trong đó nói không với thuốc diệt cỏ, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, sự thay đổi này, trước hết là vì sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, tiếp đến là bảo vệ môi trường, cũng là điều kiện giúp tỏi Lý Sơn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy mà ngày càng nhiều nông dân Lý Sơn thực hiện thành thục khâu pha chế, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh. Cánh đồng tỏi nhờ thế cũng không còn mùi thuốc trừ sâu như những năm về trước, giúp tỏi Lý Sơn từng bước lấy lại uy tín và giá trị trên thị trường.
Trong khi đó, chuỗi liên kết sản xuất lúa – nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và tỉnh cũng không dừng lại ở sản lượng mà hướng đến chất lượng và giá trị. Tại huyện Mộ Đức, hàng nghìn héc ta sản xuất lúa giống và hơn 350ha lúa theo hướng VietGAP đã mang lại giá trị kinh tế cao. Đó là vừa tạo nguồn giống để chủ động cung ứng trong các vụ sản xuất; vừa tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sâu các sản phẩm (như trà thảo dược, rượu, bánh…).
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho hay, việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ độc canh sang xen canh, từ riêng lẻ sang liên kết đã cho thấy hiệu quả. Đó không chỉ là gia tăng 15% giá trị và thu nhập cho nông dân, mà trên hết là hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Song song với việc đầu tư hạ tầng và tạo thuận lợi trong việc thu hút DN đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết thì năm 2024, huyện Mộ Đức sẽ triển khai xây dựng mô hình sản xuất 5ha lúa hữu cơ gắn với du lịch sinh thái nông thôn.
Cần phát triển khâu chế biến
Tuy hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian qua có những bước tiến, nhưng vẫn còn những “khoảng trống”, nhất là khâu pháp lý. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hành Nhân (Nghĩa Hành) Nguyễn Văn Đóa cho biết, liên kết chuỗi sản xuất lỏng lẻo, kém bền vững một phần vì chưa có chế tài xử lý khi các bên vi phạm hợp đồng, dẫn đến tình trạng “phần ai nấy mua, mạnh ai nấy bán”, nhất là những lúc thị trường biến động. Khi giá nông sản trên thị trường cao hơn thỏa thuận thì nông dân bán cho thương lái, tư thương bên ngoài; ngược lại khi giá nông sản giảm, DN cũng thất hứa, không thu mua hết sản lượng hoặc ép nông dân bán với giá thấp hơn cam kết trong hợp đồng. Với vai trò là cầu nối giữa DN và nông dân, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý, khắc phục tình trạng này.
“Ngoài tổ chức liên kết theo phương châm “3 tương đồng” về giống, quy trình sản xuất và sản phẩm thì, HTX và nông dân cần được hỗ trợ về tính pháp lý của các hợp đồng liên kết. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành cơ chế xử lý nghiêm đối với các DN, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện các hợp đồng sản xuất”, ông Đóa đề xuất.
Thực tế, công nghiệp chế biến là một trong những nội dung trọng tâm nhưng giá trị nông sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết còn thấp (hiện chỉ đạt 5%), dẫn đến các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh vẫn xuất bán chủ yếu dạng thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến sâu nông sản chưa có nhiều DN lớn tham gia, chủ yếu là các cơ sở chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ, thiết bị thiếu đồng bộ, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, lượng sản phẩm tinh chế thấp. Như trong số 120 chủ thể của 191 sản phẩm đạt OCOP 3- 4 sao thì có 19 DN, 34 HTX và 67 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh nhưng hầu hết chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Ông Trần Văn Thành – Đại diện chủ thể sản phẩm củ sắn Phú Thiện ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) bày tỏ, củ sắn là sản phẩm mùa vụ, lại chưa hình thành chuỗi liên kết với DN, cũng chưa đầu tư máy móc thiết bị phục vụ bảo quản và chế biến nên việc phân phối bị động, không ổn định, kém bền vững.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, Sở cùng với chính quyền các địa phương đang rà soát, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho việc thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành chế biến nông sản nói riêng. Bởi việc hình thành các chuỗi liên kết, trong đó DN đóng vai trò dẫn dắt là điều kiện tiên quyết để phát triển khâu chế biến sâu cho cây trồng vật nuôi, nhằm ổn định đầu ra, thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các nhóm sản phẩm chủ lực cũng như đặc sản, nông sản địa phương. Qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân.