[Quảng Ngãi] Địa phương được Hòa Phát đề xuất xây 2 bến cảng rộng hơn 18ha đang có tình hình kinh tế ra sao?
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản số 5178/UBND-KTN thống nhất đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi về việc cho phép Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát triển khai thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án đầu tư Bến số 4, 5 Khu bến cảng Dung Quất I theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, hiện trạng khu vực Bến số 4, 5 Khu bến cảng Dung Quất I có diện tích khoảng 18,4 ha, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; có ranh giới: phía Tây Bắc tiếp giáp Bến số 3 của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; phía Đông Nam tiếp giáp Bến công vụ, Cảng vụ Quảng Ngãi; phía Đông Bắc tiếp giáp bể chứa sản phẩm lọc dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phía Tây Nam tiếp giáp biển. Theo quy hoạch đây là đất cảng và hạ tầng gắn với cảng.
Cảng tổng hợp Container Hòa Phát được khởi công đầu năm 2022, có tổng vốn đầu tư trên 3.700 tỷ đồng, gồm 3 bến (số 6, 7 và 8), công suất xếp dỡ hàng năm dự kiến là 6 triệu tấn hàng hóa, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 50.000 DWT. Trong đó, công suất giai đoạn 1 của cảng (Bến số 6) là 2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn 1, cảng khai thác một cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 50.000 DWT với nhiều thiết bị hiện đại. Trong đó, tiêu biểu là cẩu chân đế xoay với tải trọng sức nâng lên đến 32 tấn, cùng nhiều thiết bị vận tải phục vụ như: Xe vận chuyển đầu kéo, xe tải ben, xe nâng 5 tấn, 15 tấn, 28 tấn…
Quảng Ngãi đang có tình hình kinh tế ra sao 9 tháng đầu năm 2023?
Quảng Ngãi nằm ở vị trí ven biển đặc biệt quan trọng của khu vực duyên hải miền Trung. Xét về quy mô kinh tế, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ tương đương 1% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá hiện hành năm 2020 (8.044.386 tỷ đồng) trong khi quy mô dân số chiếm khoảng 1,3% của cả nước .
Tuy vậy, trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Quảng Ngãi cùng với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được xác định là Vùng động lực miền Trung. Vùng động lực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng nằm trong Hành lang kinh tế Bắc – Nam của quốc gia, làm động lực thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vị trí của Quảng Ngãi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia, đặc biệt với đảo Lý Sơn.
Theo UBND Quảng Ngãi, trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, trong 25 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu, ước thực hiện đến năm 2023 có 24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, có 1 chỉ tiêu dự kiến chưa đạt kế hoạch.
Trong đó, GRDP của tỉnh trong 9 tháng năm 2023 ước đạt 1,87%, ước cả năm 2023 đạt 2,24%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tăng 1,45% so với cùng kỳ.
Về thu chi ngân sách, theo UBND Quảng Ngãi, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 18.267 tỷ đổng, bằng 76,5% dự toán năm do HĐND tỉnh giao và bằng 78% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 12.148 tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán do HĐND tỉnh giao và 80,1% dự toán Trung ương giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.071 tỷ đồng, bằng 75% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.457 tỷ đồng, bằng 113,3% so với cùng kỳ và bằng 59,6% dự toán năm.
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng 2023, Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận cho 3 dự án FDI, bằng số dự án cùng kỳ 2022, vốn đăng ký đạt 166,3 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với hoạt động thu hút đầu tư trong nước, báo cáo cho biết, trong 9 tháng có 16 dự án được cấp Quyết định chỉ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 11.847 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án bất động sản được cấp quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định, với tổng vốn đầu tư là 8.438 tỷ đồng.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050, Quảng Ngãi tiếp tục phát triển với các ngành công nghiệp nền tảng (dầu, thép) là chủ lực. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau, địa phương sẽ đề xuất các định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực để dần dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh và hỗ trợ phát triển các lĩnh vực khác mang lại giá trị kinh tế cao và phù hợp với xu thế phát triển bền vững trong tương lai.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong ngắn hạn không mang tính đột phá cao nhưng sẽ ổn định và tạo ra nền tảng vững chắc để bứt phá cho giai đoạn sau 2030 với các lĩnh vực kinh tế phù hợp với xu thế phát triển và lợi thế của tỉnh như: Logistics, khu vực dịch vụ với Lý Sơn là trung tâm, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0 – 8,0%/năm giai đoạn 2021 – 2025; 7,5 – 8,5%/năm giai đoạn 2026 – 2030 (bình quân 7,25 – 8,25%/năm cả giai đoạn 2021 – 2030).
Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.
Hướng tới 2050, Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, là địa phương phát triển xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên của khu vực duyên hải miền Trung.