[Quảng Ngãi] Cơ hội bứt phá cho du lịch phía nam Quảng Ngãi
Thiên nhiên ưu đãi cho TX.Đức Phổ nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Vùng đất cực nam của Quảng Ngãi không chỉ có bờ biển đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn, mà còn có hàng chục di tích lịch sử. Trong đó, có di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh vừa được Chính phủ công nhận.
“Bảo tàng sống” lưu giữ nền văn hóa vô giá
Sa Huỳnh thuộc TX.Đức Phổ là thương cảng một thời giao thương phồn thịnh. Nơi đây có cửa biển, vịnh kín gió, ghe thuyền ẩn trú an toàn. Đây cũng là điểm xuất phát con đường muối, từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi theo đường biển. Muối gắn liền với cư dân Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, đem lại sự giàu có và quyền lực.
Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh. Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê – lạch An Khê và Quần thể di tích Chămpa. Đây là quần thể di tích tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển và cồn cát Sa Huỳnh.
Cảnh đẹp đầm An Khê.
Trong đó, đầm An Khê rộng 350ha, được xem là trái tim của di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân Sa Huỳnh đã định cư xung quanh đầm An Khê trong khoảng 1.000 năm, từ sơ kỳ đồng thau cách đây khoảng 3.000 năm, đến thế kỷ I đầu Công nguyên.
Văn hóa Sa huỳnh được phát hiện vào năm 1909. Từ mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử, tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.
Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật giá trị minh chứng cho Văn hóa Sa Huỳnh.
Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo… “Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm. Có thể coi không gian Văn hóa Sa Huỳnh và các thành tố liên quan như một bảo tàng sống cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững bằng cách đa dạng hóa các hình thức du lịch, tạo ra những giá trị gia tăng từ di sản như du lịch nghiên cứu và tham quan di tích”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định.
Cơ hội bứt phá về du lịch
Đến nay, xung quanh khu vực đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống. Hơn 200 hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường thuộc xã Phổ Khánh và Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 thuộc phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ vẫn sống dựa nguồn lợi thủy sản dồi dào trên đầm với các hoạt động khai thác, nuôi trồng và thu mua thủy sản.
Du khách trải nghiệm trên đầm An Khê.
Ngoài ra, cư dân địa phương vẫn lưu truyền các phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt như: Hát bài chòi, hát sắc bùa, hát hố. Nhà nghiên cứu văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, di sản văn hoá dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hoá phong phú, đặc trưng, cần phải được sưu tầm, nghiên cứu toàn diện.
“Cần phục dựng lại các loại hình lễ hội, các hình thức diễn xướng trên đầm An Khê, như: Lễ hội đua thuyền, nghi lễ múa lỗ lường, hội hoa đăng, hát bài chòi, hát bội, hát hò hát hố…, và trùng tu các di tích. Qua đó, bảo tồn các loại hình văn hoá, trong đó có văn hoá dân gian của cư dân nơi đây, góp phần phát triển du lịch của địa phương”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động kích cầu du lịch trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh đã được tổ chức.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến cho biết, di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt chính là niềm vinh dự, tự hào của địa phương và sự phấn khởi của người dân nhất là TX.Đức Phổ. Trước đó, tỉnh đã quyết định không bổ sung 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với mong muốn bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Nhằm phát huy thế mạnh về tài nguyên quý báu, ngành văn hóa sẽ lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch.
Đây là cơ hội tăng cường công tác tuyên truyền về tầm vóc, sức hút của di tích. Đồng thời, tập trung thực hiện các công tác khai quật khảo cổ, bảo tồn tại chỗ để phát huy; nâng cấp, xây dựng Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh để thu hút du khách, phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh…
Vùng đất cực nam của Quảng Ngãi đang có cơ hội lớn để bứt phá phát triển du lịch.
Hiện tại khu vực đầm An Khê đã bắt đầu phát triển du lịch bằng thuyền trên mặt đầm, lễ hội đua thuyền, lễ hội ẩm thực An Khê sóng hát cũng thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm. Đây là tiền đề để tạo cơ hội bứt phá về du lịch ở khu vực phía nam của tỉnh, ngay tại không gian Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba trung tâm văn minh lớn ở thời đại kim khí của Việt Nam