[Quảng Trị] Tập trung củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, bền vững

Kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Thời gian qua, mặc dù KTTT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, song vẫn đang gặp một số khó khăn trong đổi mới phương thức, mô hình hoạt động, phương án sản xuất dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy KTTT phát triển hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mô hình sản xuất giống lúa mới HG12 vụ hè thu 2023 tại HTX Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong -Ảnh: H.T

Thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đặc biệt là triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, KTTT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển động tích cực.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các HTX lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH của tỉnh đã từng bước triển khai tích cực, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Toàn tỉnh hiện có 1.981 tổ hợp tác (THT) với 23.910 thành viên, trong đó có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương là 246 THT; 2 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 14 HTX thành viên; 341 HTX đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho trên 14.000 lao động.

Doanh thu bình quân năm 2023 đạt gần 407 triệu đồng/THT, đối với HTX là 1,3 tỉ đồng/HTX. Năm 2023, Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn, giải ngân cho vay 27 dự án với tổng số tiền giải ngân 9,45 tỉ đồng; dư nợ cho vay 14,5 tỉ đồng.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của KTTT, những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thi hành; cùng với đó, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX, thành viên HTX, THT, các hộ sản xuất, kinh doanh là đồng bào dân tộc thiểu số và cư dân miền núi…

Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về thành lập mới HTX, giải quyết các vướng mắc về tiếp cận chính sách thuế, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng và chế biến nông sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP…

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cáp Kim Thánh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh thành lập mới thêm nhiều HTX ở khu vực miền núi, đặc biệt là ở huyện Đakrông.

Một số mô hình HTX kiểu mới, THT xây dựng kinh tế trang trại gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị kinh tế cao, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua HTX đã được hình thành.

Các HTX đã phát huy vai trò chủ đạo của KTTT, HTX nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát huy thế mạnh của từng HTX. Đặc biệt, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được cụ thể hóa, qua đó tạo điều kiện để các HTX, THT tiếp cận và triển khai có hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có một thực tế là hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu phát triển. Số lượng HTX sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao không nhiều.

Trình độ quản lý, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý HTX còn thấp, thiếu tính năng động, sáng tạo thích ứng với cơ chế thị trường. Quy mô, năng lực hoạt động của nhiều HTX còn nhỏ, nguồn lực thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Việc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên hiệu quả chưa cao…

Những hạn chế, yếu kém trong phát triển KTTT do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do quy mô của các HTX nông nghiệp nhỏ, hoạt động trên địa bàn xã, thôn nên năng lực hoạt động có những hạn chế nhất định.

Sản xuất của hộ thành viên hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ nên nhu cầu hợp tác chưa cao, cơ sở vật chất hạ tầng của HTX chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác sản xuất trong điều kiện mới hiện nay.

Ngoài ra, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của KTTT nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động phát triển HTX. Công tác quản lý nhà nước về KTTT còn chồng chéo, không cụ thể, rõ ràng nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của KTTT tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh cho rằng, để tiếp tục củng cố, phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó các cấp, các ngành, đặc biệt là các thành viên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT cấp tỉnh, cấp huyện cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, thường xuyên theo dõi, sâu sát, nắm bắt những vấn đề mới phát sinh, những khó khăn, vướng mắc của các HTX, THT trên địa bàn để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho KTTT phát triển.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, HTX nông nghiệp; tổ chức các diễn đàn, đối thoại chính sách theo từng nhóm ngành nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Cùng với đó, mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ của HTX nông nghiệp để thích ứng với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở chủ trương tập trung tích tụ ruộng đất, trọng tâm là dịch vụ cung ứng đầu vào và dịch vụ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số; áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực…

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến KTTT; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực KTTT để học tập, nhân rộng… Đây cũng là những giải pháp căn cơ để KTTT của tỉnh phát triển hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Theo Báo Quảng Trị