[Quảng Nam] Phân tích các điểm nghẽn làm chỉ số PCI của Quảng Nam tụt hạng
Sáng nay 19.7, thảo luận tại tổ theo chương trình Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh (khóa X), nhiều đại biểu đã thảo luận về nguyên nhân làm tụt hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tụt 6 bậc so với năm 2020.
Sáng nay, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: Đ.P
Nghẽn chỉ với 2% chưa giải phóng mặt bằng
Các đại biểu cho rằng báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã mạnh dạn nêu ra các mặt còn hạn chế, tồn đọng và đề ra các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra của năm 2022.
Phân tích về nguyên nhân tụt 6 bậc chỉ số PCI, nhiều ý kiến cho rằng những điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; thái độ trách nhiệm công vụ của các sở ngành, địa phương và tổ chức bộ máy, con người làm việc là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng cải cách hành chính hành chính của tỉnh năm 2021.
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa sở, ban, ngành cấp tỉnh với cấp huyện trong tháo gỡ các điểm nghẽn, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính chưa kịp thời, chưa triệt để, còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đại biểu HĐND tỉnh (khóa X) Nguyễn Viết Dũng cho rằng, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được giao cho các Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện thực hiện. Qua theo dõi, có nhiều dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đạt đến 98%, số còn lại khoảng từ 2% thì kéo dài mãi năm này sang năm khác, không chịu giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
“Nguyên nhân lớn xuất phát từ cơ chế chính sách và cách làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ làm công tác GPMB, làm cho có, hết giờ thì nghỉ, không đặt cái tâm vào công việc” – ông Dũng phát biểu.
Thảo luận về nội dung này, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn rất lớn và tỉnh cần có hội nghị chuyên đề bàn chuyên sâu để có giải pháp tháo gỡ.
Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận tại tổ sáng nay 19.7. Ảnh: Đ.P
Ông Sơn nói: “Doanh nghiệp kêu vì chậm trễ trong giải phóng mặt bằng là đúng rồi. Nhưng ở địa phương chịu hai sức ép rất lớn, một là tỉnh khi về thanh tra, kết luận dự án chậm đưa vào hoạt động, chậm thu tiền đất, thất thu và đề nghị xử lý kiểm điểm. Mà ở dưới làm không tốt thì dân kiện chính quyền. Họ kéo lên phản ánh ở tỉnh, tỉnh lệnh xuống phải tập trung giải quyết. Còn nếu cưỡng chế thì một hồ sơ cân đi đo lại cả mấy tháng trời mới thực hiện, lơ mơ làm trái luật thì lãnh đủ”.
Cũng từ thực tiễn của địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng: “Chính quyền địa phương không thể làm công tác GPMB nhanh được, bởi chính sách bồi thường về đất đai cứ thay đổi liên tục. Người dân so sánh chính sách đền bù hiện nay với thời trước đây nên việc áp dụng triển khai rất khó khăn”.
Cán bộ sợ sai!
Một điểm nghẽn khác được chỉ ra là về thái độ trách nhiệm công vụ của các sở ngành, địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, vừa rồi qua thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm ở một số nơi nên sở ngành nào, địa phương nào cũng có tư tưởng “run, sợ” và chọn giải pháp an toàn.
“Trước đây chúng tôi trình hồ sơ lên, có thiếu sót thì sở ngành thu nhận rồi ít bữa cho địa phương bổ sung. Nay thì không, hồ sơ thiếu sót một chút thôi thì phải chịu khó mang về bổ sung, tuần sau mang lên lại nộp mới nhận. Sở ngành nào cũng lo thủ, mặc “áo giáp” vì sợ làm sai. Mà ở trên tỉnh sợ làm sai thì ở dưới chúng tôi cũng sợ thôi. Cán bộ sợ sai thì người dân và doanh nghiệp lãnh đủ, chứ không ai khác. Đây cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ” – ông Sơn phát biểu.
Đại biểu HĐND tỉnh (khóa X) Nguyễn Văn Diệu – Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cho rằng, có tâm lý sợ sai trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là về lĩnh vực đất đai của cán bộ, công chức ở các sở ngành, địa phương. Bởi do cơ chế chính sách luôn luôn thay đổi, cán bộ, công chức hiểu chưa đầy đủ và cách vận dụng mỗi nơi một khác nên dễ dẫn đến áp dụng sai. Nói vậy, để thấy năng lực còn hạn chế của một bộ phận, cán bộ, công chức, chứ không nên đổ lỗi hết do cơ chế chính sách. Thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo động lực khích lệ cán bộ yên tâm công tác, cống hiến. Chứ với tình trạng cán bộ sợ sai kéo dài như vừa qua sẽ là trở ngại rất lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.
Nhìn nhận về điểm nghẽn trong tổ chức bộ máy, cán bộ, ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, hồ sơ đất đai và công tác GPMT ngày một nhiều, nhân lực cán bộ ít lại do phải tinh giản biên chế. Rồi những vướng mắc, bất cập trong cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện từ khi sáp nhập thuộc Sở Tài nguyên – môi trường chưa được tháo gỡ đã gây ảnh hưởng, hạn chế rất lớn đến công tác bồi thường, GPMT, khiến cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra…