[Quảng Nam] Cơ hội cho cảng biển Quảng Nam
Bộ GTVT chấp thuận cho Trường Hải nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà. Quyết định này kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tốt để rộng đường phát triển cảng biển địa phương.
Xã hội hóa đầu tư
Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa X (ngày 26/9/2024) đã chuẩn y việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và dừng thực hiện Dự án “Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2)”, kết thúc những ý kiến về hạn chế, thiếu sót khi thực hiện dự án có vốn đầu tư 199,5 tỷ đồng này.
Quyết định kịp thời nêu trên cũng giúp kết thúc dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, có đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ quyết toán, giao lại quyền kiểm soát cho Cục Hàng hải (Bộ GTVT) để có thể xem xét, xúc tiến xã hội hóa đầu tư phần còn lại của dự án.
Ngày 11/12/2024, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương thực hiện nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà theo đề xuất của Trường Hải. Công văn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký đã yêu cầu Trường Hải thi công nạo vét đúng phạm vi, chuẩn tắc tuyến luồng được chấp thuận.
Không lợi dụng việc thực hiện nạo vét để thu hồi, tận thu sản phẩm nạo vét, thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường cảnh quan.
Trường Hải tự chịu trách nhiệm hiệu quả đầu tư và kinh phí đầu tư. Không yêu cầu Nhà nước bồi hoàn chi phí. Sau khi nghiệm thu hoàn thành dự án, Trường Hải bàn giao công trình cho Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý, khai thác theo quy định. Không đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí nạo vét duy tu luồng tàu.
Theo UBND tỉnh, chính quyền đã cho phép Trường Hải tiến hành điều chỉnh đầu tư nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho tàu 1,5 vạn tấn đủ tải, tàu 2 vạn tấn và lớn hơn giảm tải hành thủy vào đến các khu bến Kỳ Hà, Tam Hiệp thuộc cảng Kỳ Hà.
Điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến luồng 11km: Bổ sung nạo vét đáy luồng rộng 110m, cao độ đáy luồng -10m hải đồ và nạo vét đáy luồng đoạn từ bến số 3 đến bến Tam Hiệp dài 6,2km rộng 100m, cao độ đáy luồng điều chỉnh từ -10,7m lên -10m hải đồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay đã yêu cầu Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (KKT&KCN) chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Trường Hải triển khai các thủ tục đầu tư.
Ông Lê Văn Sinh – Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói địa phương sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công tác di dời, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân lấn chiếm trái phép phạm vi tuyến luồng hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, ổn định an ninh, bảo đảm mặt bằng cho Trường Hải thi công nạo vét tuyến luồng đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Quảng Nam.
Mở rộng sinh lộ giao thương
Trường Hải đã được phép tiến hành dự án. Tuy nhiên, không ít người ngạc nhiên khi cho rằng doanh nghiệp này tự bỏ tiền ra nạo vét luồng vào cảng, lúc hoàn thành giao lại cho Cục Hàng hải quản lý, khai thác thì Trường Hải được gì trong chuyện này?
Đầu tư hệ thống cẩu chuyên dụng với công suất lớn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, THILOGI (thuộc Trường Hải) có đủ nguồn hàng và nhiều đối tác cho hoạt động logistics của doanh nghiệp. Tuy nhiên, luồng cảng hiện nay quá cạn. Không có luồng, tàu lớn không vào được thì doanh nghiệp sẽ đứt đơn hàng với các đối tác. Đầu tư công thì thủ tục lâu. Trường Hải quyết định bỏ tiền ra nạo vét để chủ động ký kết các hợp đồng, tạo thuận lợi cho chuyện làm ăn của doanh nghiệp, không thể để mất đi cơ hội liên kết, kết nối giao thương.
Theo các dữ liệu đầu tư và diễn tiến hoạt động của cảng biển Quảng Nam thì kể từ chuyến tàu SITC từ cảng Inchon (Hàn Quốc) cập cảng số 1 Tam Hiệp ngày 5/8/2016, cảng Chu Lai – Trường Hải chính thức gia nhập “cảng quốc tế” xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam.
Trường Hải đã đổ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng một trong những cảng năng động bậc nhất miền Trung. Ít nhất có đến 4 hãng tàu quốc tế cập cảng làm hàng mỗi tuần.
Ngoài hàng “xương sống” ô tô thành phẩm, linh kiện, máy móc, thiết bị và hàng nông nghiệp của chính THACO, các mặt hàng khác như vật tư nông nghiệp phục vụ cho các nông trường Campuchia, Lào, Tây Nguyên… nhập từ cảng Chu Lai sẽ được vận chuyển ngược lên các nông trường và nhận trái cây từ các nông trường về.
Theo thống kê của Sở Tài chính, chỉ tính riêng thu thuế xuất nhập khẩu năm 2024 khoảng 4.300 tỷ đồng (đạt 122,8% dự toán), thì Trường Hải chiếm hơn 80% số thu này (3.440 tỷ đồng).
Trường Hải đã xây dựng thành công một trung tâm giao nhận (logistics) hay cảng container, có thể vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế sản lượng lớn.
Công ty Giao nhận vận chuyển quốc tế Trường Hải – THILOGI (thuộc THACO) hiện đang cung ứng dịch vụ logistics trọn gói cho hơn 300 khách hàng, từ vận chuyển đường bộ, đường biển nội địa và quốc tế, thủ tục thông quan hàng hóa và và thương mại quốc tế. Đặc biệt, Cảng quốc tế Chu Lai còn hợp tác và thu hút các hãng tàu quốc tế như CMA CGM, SITC, ZIM, RCL, Wan Hai, PIL… mở các tuyến hàng hải trực tiếp hoặc kết nối trung chuyển đến các cảng lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ đến Châu Âu và Châu Mỹ… Nhưng vẫn “thất bại” khi luồng lạch không đủ độ sâu, rộng để đón được tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng.
Quảng Nam đã mất đi cơ hội truyền thông cho cảng biển Quảng Nam qua sự kiện lớn xuất sơ mi rơ moóc sang Mỹ khi buộc phải mượn cảng Dung Quất.
Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra rất quyết liệt giữa các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các khu kinh tế (KCN) thường có nguồn hàng đi châu Âu, châu Mỹ. Lợi thế của cảng biển Quảng Nam ít cảng nào có được. Một khi hàng linh kiện về Chu Lai, những container sẽ được xuất trả thì bây giờ đối lưu các doanh nghiệp, các KCN sẽ tận dụng vỏ rỗng này để xuất hàng hóa, chi phí sẽ giảm, rẻ hơn nhiều.
Trường Hải đã đề xuất bỏ tiền ra thực hiện dự án nạo vét này, cam kết không đề nghị Nhà nước hoàn trả lại tiền là một lựa chọn quan trọng, quyết định cho sự chủ động “tự cứu mình” trước cuộc cạnh tranh trên thương trường, nhập xa lộ giao thương, kết nối liên vận quốc tế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá quy hoạch đầu tư cảng biển, nạo sâu luồng lạch vào cảng Chu Lai là bước đột phá của Quảng Nam. Mở cửa ngõ ra Biển Đông sẽ là sinh lộ mới cho cảng biển, cho cả nền kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói khó có thể tính toán, nhưng sẽ đạt được rất nhiều lợi ích khi bỏ tiền ra đầu tư. Chắc chắn quyết định này của Trường Hải sẽ tạo ra sự khác biệt, được sự thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ hội mở rộng giao thương trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các cảng biển miền Trung.