[PCI 2022] Hậu trường PCI 2022 và những chia sẻ từ các lãnh đạo tỉnh
Ngày đăng : 13/04/2023
Sau khi đón nhận kết quả xếp hạng PCI 2022, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh ví hành trình 6 năm giành vị trí quán quân là tay cầm hoa hồng nhưng chân thấm đau vì gai nhọn.
Sáng 11/4, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.
Ngoại trừ Quảng Ninh tiếp tục giành vị trí Quán quân năm thứ 6 liên tiếp, kết quả xếp hạng năm nay có nhiều biến động. Chẳng hạn như, Bắc Giang bất ngờ bứt phá 29 bậc và lần đầu đoạt ngôi Á quân, Hưng Yên cũng cải thiện mạnh tới 25 bậc, lần đầu tiên Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong Top 5, Long An cũng tăng 6 bậc để góp mặt trong Top 10…
Ở chiều ngược lại, một số tỉnh thành lớn lại có sự giảm điểm. Đáng lưu ý, Hà Nội tụt hạng 10 bậc, về vị trí 20; TP. Hồ Chí Minh tụt 13 bậc, đứng ở vị trí 27…
Top 10 PCI 2022 không có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Kết quả này đã mang đến những cảm xúc, tâm tư khác nhau cho các vị lãnh đạo địa phương có mặt tại buổi lễ.
Bí thư Quảng Ninh: Trên tay là hoa hồng nhưng bàn chân thấm đau vì những mũi gai
Với 72,95 điểm trên thang 100, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm thứ 6 liên tiếp. Khảo sát của PCI 2022 cho biết, các doanh nghiệp, đánh giá cao tỉnh này vì những sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh (thứ ba từ trái sang) tại Lễ công bố PCI 2022
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ số PCI là những con số biết nói, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người.
Lần thứ 6 liên tiếp đứng trên bục vinh quang, ông Ký nói rằng: “Trên tay tôi là hoa hồng nhưng bàn chân đã thấm đau vì những mũi gai, bởi hành trình đi trên đường vinh quang chỉ có bắt đầu, không có kết thúc, chông gai vẫn còn vì cứ giải quyết được mâu thuẫn này thì lại xuất hiện mâu thuẫn mới phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị ở tầm cao hơn…”.
Chủ tịch Hưng Yên cảm kích trước tình cảm của doanh nghiệp dành cho chính quyền
Bên lề sự kiện, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, chỉ số PCI đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh với nhau một cách bình đẳng.
Khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đến đầu tư kinh doanh thì việc đầu tiên họ quan tâm là môi trường kinh doanh thế nào và họ sẽ nghiên cứu PCI.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trả lời phỏng vấn báo Đầu tư Chứng khoán (Ảnh: M.Minh
Ông Văn nói rằng, căn cứ vào PCI hàng năm, cả hệ thống chính quyền Hưng Yên vào cuộc quyết liệt, bám vào 10 chỉ tiêu thành phần của PCI để làm sao có sự cải thiện hàng năm. Ví dụ chỉ số tiếp cận đất đai, tính tiên phong của chính quyền địa phương, tính minh bạch, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… trong đó hai chỉ tiêu đầu thể hiện rõ nhất vai trò của chính quyền địa phương.
“Doanh nghiệp khi về địa phương đầu tư, phải tiếp cận đất đai, họ sẽ cảm thấy yên tâm khi được chính quyền ủng hộ”, ông Văn nói.
Năm 2022, Hưng Yên bứt phá tới 25 bậc so với năm ngoái, đứng ở vị trí 14. Năm 2021, tỉnh này cũng đã tăng 19 bậc để đứng ở vị trí 39.
“Tôi rất mừng và cảm ơn doanh nghiệp đã dành tình cảm cho chính quyền địa phương”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Chủ tịch Đồng Tháp: Đồng Tháp còn khó khăn nhưng sẽ tiếp tục cải thiện
Năm nay, Đồng Tháp đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với 69,68 điểm. Đây là năm thứ 15 liên tiếp tỉnh này có mặt trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành kinh tế, theo kết quả công bố PCI hàng năm.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi xem chỉ số PCI là thước đo để soi rọi lại những vấn đề còn tồn đọng của chính quyền, từ đó có chính sách khắc phục”, ông Nghĩa nói và cho biết, Đồng Tháp tuy khó khăn song vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tỉnh sẽ tiếp tục thay đổi tư duy quản lý để cùng xây dựng một chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch tỉnh Long An: Chúng tôi cấp giấy chứng nhận đầu tư trong một ngày
Năm nay, tỉnh Long An đã có sự vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI khi tăng 6 bậc, xếp vị trí thứ 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022 với 68,45 điểm. Trong đó, một số chỉ số thành phần có thứ hạng cao như chi phí thời gian xếp thứ 2, tính năng động của chính quyền xếp thứ 4, chi phí không chính thức xếp thứ 5.
Ông Nguyễn Văn Út, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang sự kiện một số kinh nghiệm thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Út, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (Ảnh: M. Minh
“Khi biết doanh nghiệp (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) đang tìm hiểu về tỉnh Long An, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận ngay từ đầu bằng cách thức riêng của chúng tôi. Long An chuẩn bị ngay khâu tiếp nhận để khi người ta đến, mình có thể tư vấn được ngay, nhanh chóng, rõ ràng”, ông Út nói.
“Tiếp đó, khi nhà đầu tư đã chọn được điểm dừng chân để đầu tư thì Long An bắt đầu tư vấn về thủ tục và khi họ nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư thì chúng tôi chỉ giải quyết trong 1 ngày”, Chủ tịch Long An cho biết.
Theo vị Chủ tịch, để thu hút doanh nghiệp nước ngoài thì cách thức, thủ tục khó khăn, phức tạp hơn; còn đối với doanh nghiệp trong nước đa số đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp thì tỉnh thành chủ yếu tập trung gỡ vướng các thủ tục của môi trường kinh doanh.
Phó Chủ tịch Bắc Ninh: Bắc Ninh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư toàn quốc về bán dẫn
Theo VCCI, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đạt 69,08 điểm, xếp thứ 7, giảm 0,33 điểm so với năm 2021. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm nay, Bắc Ninh tăng ở 6 chỉ số và giảm ở 4 chỉ số.
Kết quả thống kê quý I/2023 cũng ghi nhận, Bắc Ninh đứng cuối bảng về tăng trưởng GRDP với mức tăng trưởng âm 11,85%.
Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, Bắc Ninh đang ít nhiều phụ thuộc đối tác FDI nên chịu nhiều ảnh hưởng của biến động thị trường toàn cầu. Trong trung và dài hạn, Bắc Ninh sẽ có giải pháp quyết liệt để đa dạng hoá lĩnh vực đầu tư, đa dạng hoá đối tác nhằm tiến tới phát triển bền vững.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh (giữa)
Có ý kiến cho rằng, liệu Bắc Ninh đã “tới giới hạn” FDI hay chưa, ông Tuấn nói rằng Bắc Ninh không xác định một lĩnh vực thu hút đầu tư nào có giới hạn hay không, quan trọng là có chọn được đúng đối tác hay không, có đi đúng hướng trong hợp tác đầu tư hay không.
Ông Tuấn cho biết, sắp tới đây Bắc Ninh sẽ có hướng đi mới, lĩnh vực mới để thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ xin đăng cai tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư toàn quốc trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới về trong lĩnh vực này. Cùng với đó, tỉnh sẽ khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo, Bắc Ninh có định hướng mở rộng thu hút đầu tư sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ văn hoá để có sự tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Theo Báo Đầu tư CK