Nhân lực cho ngành bán dẫn cần chiến lược “điều hướng”
Phân tích từ giới chuyên gia cho thấy, việc đào tạo, tuyển dụng mới nhân lực cho ngành bán dẫn là vấn đề cần quan tâm tính toán kỹ, cần chiến lược ”điều hướng” bài bản.
Nhân lực cho ngành bán dẫn được nhận định là quan trọng, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu quốc gia trong khoảng 30 – 50 năm tới, khi xã hội càng phát triển nhu cầu dữ liệu số ngày càng nhiều. Rất nhiều hoạt động đón đầu xu hướng đã và đang diễn ra, đặc biệt là các hoạt động chuẩn bị nhân lực phục vụ ngành.
Việt Nam là nước đang phát triển, địa chính trị ổn định, có dân số trẻ, có quy mô dân số lớn, có lợi thế phát triển nhân lực STEM, có cơ hội đón làn sóng phát triển mới… là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư, cũng là động lực thúc đẩy Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu, lên kế hoạch thúc đẩy cộng đồng DN tham gia sâu hơn, mạnh mẽ hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội – một chuyên gia có hơn 15 năm theo dõi, nghiên cứu nỗ lực thâm nhập hệ sinh thái bán dẫn của các DN Việt cảm thấy tự hào vì có rất nhiều người Việt học tập ở Việt Nam nhưng khi sang châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan… đã có rất nhiều nhân lực chất lượng cao là người Việt.
“Công nghiệp bán dẫn là 1 chuỗi có sự liên kết chặt chẽ trên toàn cầu. Chúng ta tham gia được vào chuỗi bán dẫn dù chỉ là 1 mặt nhỏ cũng đã là thành công. Hiện chúng ta đang là điểm đến của lĩnh vực bán dẫn toàn cầu. Việt Nam đang ở ngưỡng cửa dân số già, đây là cơ hội để chúng ta vươn lên, lấn sâu vào công nghệ cao toàn cầu và bán dẫn là 1 trong những cơ hội”, GS.TS. Chử Đức Trình bày tỏ.
Cụ thể hơn, theo chuyên gia Chử Đức Trình, trước khi khẳng định tiềm lực dấn thân hiệu quả vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, cần nói tới yếu tố nền tảng là tiềm lực công nghệ thông tin của Việt Nam. Nền công nghệ thông tin Việt Nam hình thành, phát triển từ những năm 80. Sau đó khoảng 10 năm, các kỹ sư, DN khối này “vươn ra thế giới” thông qua nhiều loại hình, dịch vụ, chủ yếu là Outsourcing – làm thuê, gia công.
Tích luỹ kinh nghiệm đã hàng chục năm, các kỹ sư công nghệ Việt đã có đủ khả năng thoát khỏi vai trò làm thuê-gia công, định hình năng lực tư vấn, xây dựng, triển khai, vận hành trọn gói các giải pháp cho khách hàng trong và ngoài nước. Đây là nền tảng để Việt Nam dấn thân vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi như ngành bán dẫn. Giai đoạn hiện nay được coi là thuận lợi để Việt Nam dần hiện thực hoá mục tiêu này.
Ông John Neuffer – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ có cùng quan điểm này khi cho rằng, ngay tại Mỹ cũng không nghĩ rằng Mỹ hay bất kỳ 1 quốc gia nào có thể tham gia được và tốt vào tất cả các hoạt động thuộc chuỗi cung ứng bán dẫn, nên Mỹ cũng không cố gắng làm điều đó. “Chúng ta nên tìm điểm mạnh của mình để phát triển nó và Việt Nam đang làm rất tốt điều này. Việt Nam đang tận dụng lợi thế của mình để dần trở thành 1 phần quan trọng trong chuỗi cung ứng, ngày càng có vị thế hơn trong chuỗi cung ứng này”, ông John Neuffer nói.
Nhận định tiềm năng phát triển ngành, nhiều hoạt động đón đầu xu hướng đã và đang diễn ra, đặc biệt là tạo nguồn nhân lực. Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều trung tâm đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đã ra đời. Nhiều khoá học chuyên sâu thiết kế vi mạch bán dẫn đã được mở ở hệ thống các trường cao đẳng, hơn 10 cơ sở đào tạo đại học công bố mở mã ngành thiết kế vi mạch – công nghiệp bán dẫn cùng nhiều khoá học chuyển đổi từ cộng đồng DN… trở thành “hiện tượng” được quan tâm.
Quan tâm là bởi kỹ sư ngành bán dẫn hiện có khoảng 5.000 người, nhu cầu trong 5-6 năm tới cần 100.000 người, trong khi cả nước hiện có tới hơn 42.000 DN công nghệ, 1.400 DN công nghệ diện này đã vươn tầm quốc tế. Lượng kỹ sư toàn ngành công nghệ đang đạt hơn 250.000 người, và đây được coi là nhân lực nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Vậy việc mở mới các khoá đào tạo, mở mới mã ngành đào tạo tại hệ thống giáo dục và các DN cần được nhìn nhận theo chiều hướng như thế nào, hay cần được “điều hướng đào tạo” như thế nào là hợp lý, đảm bảo không đào tạo ồ ạt theo trào lưu, tránh thừa nhân lực về sau?
Ở góc độ DN, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho rằng, FPT đã có những nghiên cứu bài bản và sẽ phối hợp với quốc tế, lợi thế là Việt Nam đang có 1 lực lượng lớn Việt kiều đang làm việc, nghiên cứu ở những công ty về chip bán dẫn hàng đầu thế giới. “Thừa nhận là chúng ta đang có những lỗ hổng trong ngành, nhưng chúng ta cũng có lợi thế của người đi sau, đó là hiểu được những khó khăn, thất bại của những người đi trước để tránh và có thể bứt phá. Tôi cho rằng mục tiêu 100.000 người được đào tạo về chip bán dẫn vào năm 2030 là có thể đạt được và đây là cơ hội”, ông Tiến tin tưởng.
Đại diện một trong những đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo, đề xuất Chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – truyền thông, Bộ TT&TT cho rằng, lượng kỹ sư về CNTT – điện tử viễn thông đang hoạt động tại Việt Nam đang khoảng 250.000 người có thể không thiếu về lượng, nhưng lại thiếu những kỹ sư có thể đáp ứng ngay những yêu cầu của các nhà máy diện này.
“Hiện các công ty đang đồng hành để đào tạo thêm, đào tạo nâng cao cho các kỹ sư có thể cập nhật kỹ năng. Do đó, điều chúng ta có thể làm và có thuận lợi nhất là chuyển đổi 1 phần kỹ sư đang hoạt động trong CNTT- điện tử viễn thông sang đặc thù vi mạch bán dẫn. Đây là cách tiếp cận mới không mất quá nhiều thời gian đào tạo, nhưng lại đáp ứng nhanh hơn nhu cầu các DN”, ông Nghĩa gợi mở.
Ưu điểm, lợi thế phát triển ngành đã được khẳng định. Việc các DN cùng hệ thống giáo dục và người dân-người lao động quan tâm xu thế phát triển vi mạch bán dẫn là tín hiệu tích cực cho ngành trong tương lai. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy, để có lực lượng nòng cốt tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, góp phần hiện thực hóa ước mơ tự cường, cần sớm có một chiến lược bài bản giúp “điều hướng” – hướng dẫn cụ thể cho các lực lượng liên quan mọi công đoạn hình thành ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, trong đó có hoạt động đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành công nghiệp tiềm năng này.