Một số quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác
Ngày đăng : 21/04/2023
Theo Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, một số quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác.
Băn khoăn về tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Đất đai
Góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong những nội dung trọng tâm tại Phiên họp thứ sáu của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm nay (ngày 19/4).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và huy động tối đa trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, thành viên của Hội đồng khoa học, Phiên họp tiếp tục góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), một trong những dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 5 (5/2023) tới đây.
Góp ý vào dự thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội băn khoăn về tính thống nhất của dự án Luật Nhà ở với Luật Đất đai đang được sửa đổi, trong đó có vấn đề liên quan đến đất dành cho nhà ở xã hội và các quy định hiện hành.
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số quy định tại dự thảo chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác như: lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở
Cùng mối quan tâm, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng khoa học cho rằng, một số quy định tại dự thảo chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác như: lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở…
Theo ông Tuấn, đối với quy định về điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở (Điều 37), dự thảo không cần thiết phải quy định về điều kiện của chủ đầu tư dự án, vì hoặc là chồng lấn, hoặc là chưa thống nhất với các văn bản khác (pháp luật về đất đai, đầu tư không quy định về điều kiện “có kinh nghiệm để thực hiện đối với từng dự án”). Đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 37 dự thảo.
TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị, một số nội dung cụ thể cần nghiên cứu, chỉnh lý để đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung dự thảo Luật với các văn bản pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…
Không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn
Báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu, chuyên gia nêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về vấn đề sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn, trên cơ sở kết luận của UBTVQH, dự thảo không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; các trường hợp phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Liên quan đến sử dụng đất để phát triển nhà thương mại, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đảm bảo tính thống nhất với nội dung này trong Luật Đất đai.
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, ông Sinh đề nghị giữ nguyên khái niệm, chỉ quy định rõ hơn nội hàm của nội dung này. Theo đó, sẽ tiến hành rà soát, chỉnh sửa lại các nội dung trong dự thảo như: quy định về xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội…, để đảm bảo tính thống nhất.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quá trình soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần được thực hiện thật sự bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật lớn, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đây cũng là dự án luật phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật, bộ luật khác, nhất là các luật đang được sửa đổi, lấy ý kiến như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản…
“Đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp trong phạm vi trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị thật tốt các nguồn tư liệu tham khảo, thông tin khoa học lập pháp để góp phần phục vụ các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trong thời gian tới…”, ông Định lưu ý./.
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo