Mỗi năm, nguồn nhân lực này đem về cho Việt Nam 4 tỷ USD
Nguồn nhân lực này sau khi về nước cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ Chính phủ để có thể tiếp tục phát huy được năng lực, kinh nghiệm… làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hình minh họa
Trong phiên chất vấn sáng hôm nay, 8/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại mỗi năm Việt Nam đưa trung bình 120.000 – 143.000 người đi lao động nước ngoài.
Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến thời điểm này, cả nước đã đưa được 112.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ chiếm khoảng 10%.
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất của Việt Nam nhất với 55.000 người. Các lao động sau 3 năm thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội chuyển sang lao động kĩ năng đặc định ở lại lâu dài. Nhiều hiệp hội ngành nghề Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, liên kết với các trường đào tạo nghề ở Việt Nam để giúp người lao động thuần thục tay nghề trước khi xuất cảnh.
Mới đây, Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề. Đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.
Hàn Quốc cũng là thị trường được nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Trong 10 tháng đầu năm, có 5.973 lao động (272 lao động nữ) sang quốc gia này làm việc. Thu nhập cao, gần gũi về văn hóa là những điểm thu hút nhiều lao động lựa chọn. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 – 2.000 USD/tháng.
Các thị trường xuất khẩu lao động lớn khác của Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 30.000 người, Singapore, Hungary, Romania…
“Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5 – 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Người lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh làm việc ở Nhật Bản_Nguồn: nld.com.vn
Hiện nay, mỗi năm Bộ giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 – 1,7 triệu lao động trong nước. “Tính chung một năm đưa được 130.000 – 140.000 lao động đi nước ngoài làm việc là tương ứng với khoảng 10% lực lượng lao động. Quy mô 500.000 – 650.000 người thường xuyên lao động và làm việc ở nước ngoài như hiện tại là vừa phải”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, các biện pháp điều tiết thị trường lao động cũng căn cứ vào cung – cầu, nếu nhu cầu lao động trong nước tăng, Bộ sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ lao động đi nước ngoài và khi nhu cầu trong nước giảm sẽ tăng cường lực lượng đi nước ngoài để bảo đảm quy mô cho phù hợp.
Để phát huy hiệu quả của lực lượng lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo trong các nghị quyết. Bộ LĐTB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm… Cùng với đó, Bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài việc tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ cũng sẽ xúc tiến để mở rộng thị trường mới, tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.
Đối với những người lao động về nước, lực lượng lao động này cũng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành. Đơn cử với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước, có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật sẽ phù hợp, người lao động cũng phát huy được năng lực, kinh nghiệm.
Cùng với đó, nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được tạo điều kiện vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về và thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.