Mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho mọi đối tượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những điểm mới rất quan trọng của Nghị quyết 42 là đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng; hướng tới mục tiêu năm 2045, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những điểm mới rất quan trọng của Nghị quyết 42 là đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp, các quan điểm và định hướng của Đảng về chính sách xã hội qua các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội XIII và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội, dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới (Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Trình bày chuyên đề về nội dung này tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết, với 5 nội dung chính: Các yếu tố nền tảng của chính sách xã hội; đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012; sự cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; những nội dung chính của Nghị quyết số 42-NQ/TW; những điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Những yếu tố nền tảng của chính sách xã hội
Về những yếu tố nền tảng của chính sách xã hội, Thủ tướng nêu rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết 5 bài học chủ yếu: (1) Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (3) Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cùng với đó, tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng: (1) Nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; (2) Nhà nước pháp quyền XHCN – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (3) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xác định rõ:”Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Dành thời gian phân tích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về một số lĩnh vực trụ cột (xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh, văn hóa), Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; trong đó nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, tất cả các yếu tố nền tảng nêu trên đều liên quan đến con người, đến nhân dân. Nguyên tắc xuyên suốt: Con người là trung tâm của chính sách xã hội – tất cả vì con người, vì nhân dân. Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Chính sách là chính sách chăm lo cho con người; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để nhân dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng, đây là lĩnh vực lớn, phạm vi rộng, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dành 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho chính sách xã hội
Thủ tướng khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Cụ thể, thứ nhất, chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt . Đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ và chính sách ưu đãi phù hợp. Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.
Thứ hai, việc bảo đảm an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân . Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hằng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022. Trong 3 năm phòng, chống dịch COVID-19, đã hỗ trợ với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn.
Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời huy động, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thị trường và ý chí tự lực, tự cường của người dân. Đã dành nguồn lực khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho chính sách xã hội.
Thể chế về thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động. Tỉ lệ thất nghiệp ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%.
Thứ ba, công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện . Tỉ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.110 USD năm 2022.
Việt Nam về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc; là điểm sáng trong toàn cầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ tư, diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng. Năm 2022, tỉ lệ tham gia BHXH đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng (đến nay đạt 1,46 triệu người).
Thứ năm, người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Về giáo dục, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020.
Năm 2022, 92% người dân tham gia BHYT; 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ… Về nhà ở, đến năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2021, 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Về tiếp cận thông tin, năm 2016, 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh…
Đánh giá chung, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khắp mọi miền đất nước được nâng lên rõ rệt; diện mạo xã hội thay đổi căn bản; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn; đem lại sự hài lòng và củng cố niềm tin của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về những hạn chế, bất cập, Thủ tướng nêu rõ, phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao; thị trường lao động phát triển chưa thực sự đồng bộ, đột phá về nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét, nhất là nhân lực chất lượng cao; các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; năng lực và nguồn lực bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn hạn chế…
Lựa chọn mô hình chính sách xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh đất nước
Sau khi phân tích về nguyên nhân của những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội (như vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, già hóa dân số, rủi ro về an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).
Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi và nguồn cung lao động). Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, Thủ tướng cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, chúng ta cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra; tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bối cảnh mới và thực tiễn quản lý phát triển xã hội đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng chính sách an sinh xã hội toàn diện hơn, đa tầng hơn, hiện đại hơn, bao trùm và bền vững hơn, bảo đảm an sinh, an ninh, an dân, nhất là trước những cú sốc và nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu của nhân dân về thụ hưởng các chính sách xã hội ngày càng cao hơn cả về số lượng và chất lượng, trong đó có tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới, phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa.
Phân tích về một số mô hình chính sách xã hội điển hình trên thế giới hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta lựa chọn mô hình chính sách xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh nước ta.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện
Trình bày những nội dung chính của Nghị quyết 42 (về quan điểm; mục tiêu và tầm nhìn; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện), Thủ tướng đồng thời chỉ rõ những điểm mới nổi bật của Nghị quyết này.
Về cách tiếp cận và tên gọi , Nghị quyết 42 có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Nghị quyết kết hợp hài hoà giữa tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để bảo đảm ổn định xã hội, đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, tên gọi của Nghị quyết số 42 được xác định là “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 15 của Trung ương có tên gọi là “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”).
Về phạm vi , Nghị quyết 42 đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm 5 nhóm: (1) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (2) Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; (3) Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; (4) Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; (5) Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Về quan điểm , Nghị quyết 42 đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 42 nhấn mạnh một số quan điểm sau: Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, chăm lo con người và vì con người; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Về mục tiêu và tầm nhìn , Nghị quyết 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đồng thời, đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu , trên cơ sở kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu tại Nghị quyết 15 và để bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 42 đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện về: Nâng cao nhận thức; nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; lao động, việc làm; an sinh xã hội; phúc lợi xã hội; dịch vụ xã hội; hợp tác quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách xã hội. Trong khi đó, Nghị quyết 15 tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (về chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội và giải pháp thực hiện).
Thủ tướng chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42 : Tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường)
Về xây dựng nhà ở xã hội, đáng lưu ý là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.
Cùng với đó, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hoá dân số và điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế. Phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Thủ tướng nhắc lại, tại Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển”.