Lĩnh vực đặc biệt của Việt Nam sẽ sớm đạt 2,1 tỷ USD, Mỹ ra khuyến nghị đầu tư
Lĩnh vực này được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) giai đoạn 2021 – 2026 là 9,7% và đạt giá trị 2,1 tỷ USD vào năm 2026.
Hồi đầu năm nay, Cục Thương mại Quốc tế (thuộc Phòng Thương mại Mỹ) đã giới thiệu chi tiết về thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Trong đó, cơ quan này đánh giá cao cơ hội đầu tư vào nhóm thiết bị y tế của nước ta.
Theo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ năm ở Đông Nam Á và thứ 37 trên thế giới. Còn dự báo của Ngân hàng Thế giới cho rằng tầng lớp trung lưu và khá giả dự kiến sẽ tăng nhanh và chiếm 20% dân số cả nước vào năm 2030.
Cục Thương mại Quốc tế Mỹ nhận định: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, tầng lớp trung lưu tăng trưởng và nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang động lực quan trọng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đây. Để nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt hơn, Việt Nam đang đầu tư trang bị y tế tiên tiến.
Theo Economist Intelligence Unit (EIU), chi tiêu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là khoảng 18,5 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 4,6% GDP của cả nước.
Các bệnh viện công và tư ở Việt Nam đang nâng cấp cơ sở vật chất và mở các khoa mới để điều trị chuyên khoa, “tạo cơ hội cho các nhà cung cấp Mỹ” – báo cáo nhấn mạnh.
Hơn 90% thiết bị y tế tại Việt Nam được nhập khẩu và thị trường thiết bị y tế được định giá 1,5 tỷ USD vào năm 2022, Cục Thương mại Quốc tế Mỹ nêu. Lĩnh vực này được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 9,7% từ năm 2021-2026 và có thể đạt 2,1 tỷ USD vào năm 2026.
Việt Nam đang dành một lượng lớn vốn công nâng cấp bệnh viện địa phương
Việt Nam khuyến khích nhập khẩu thiết bị y tế vì sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. “Thiết bị y tế nhập khẩu có thuế nhập khẩu thấp và không bị hạn chế về hạn ngạch”, báo cáo nói với các doanh nghiệp Mỹ.
Phía Mỹ cho rằng, thị trường y tế Việt Nam có bốn nhóm mua thiết bị y tế chính. Lớn nhất là các bệnh viện công, chiếm 86% thị trường. Các bệnh viện và phòng khám thuộc sở hữu nước ngoài cũng là những người mua lớn. Tuy nhiên, các cơ sở này thường mua vật tư từ quốc gia của họ.
Các bệnh viện tư nhân địa phương sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất, trong khi các tổ chức nghiên cứu và giáo dục cũng sẽ có nhu cầu. Một số tổ chức nghiên cứu và giáo dục y tế sẵn sàng thử nghiệm các hệ thống mới và phương pháp cải tiến. Những người dùng cuối này mang đến cơ hội chiến lược tuyệt vời để phát triển quan hệ đối tác, do họ mong muốn khám phá các công nghệ mới.
Theo phía Mỹ, Việt Nam đang dành một lượng lớn vốn công phân bổ nâng cấp các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố trung ương. Các dự án xây dựng và nâng cấp bệnh viện lớn quy mô quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.
Việt Nam cũng nhận được một lượng lớn viện trợ quốc tế dưới hình thức cho vay và tặng thiết bị y tế. Một số dự án nhỏ đang được thực hiện tại Việt Nam, bao gồm cả những dự án do Ngân hàng Thế giới và EU tài trợ.