Liên kết doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên
Để hình thành sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền tại khu vực, VCCI miền Trung – Tây Nguyên sẽ đóng vai trò là cầu nối để đưa các đơn vị xích lại gần nhau hơn.
Chiều ngày 10/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên) tổ chức Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sự kiện nhằm thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và kết nối với các cấp chính quyền trong khu vực.
Khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay năm 2023 là năm còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với các thách thức, thuận lợi đan xen và đặc biệt tại khu vực còn khó khăn hơn. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rời khỏi thị trường vẫn ở mức cao, công tác cải thiện môi trường kinh doanh tại một số địa phương đang có tình trạng chững lại,…
Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên do VCCI miền Trung – Tây Nguyên tổ chức chiều ngày 10/04.
Cũng theo Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên, nhìn vào tốc độ tăng trưởng GRDP tại các địa phương miền trung – Tây Nguyên với 5/10 tỉnh tăng trưởng dưới mức trung bình, có địa phương còn tăng trưởng âm. Đến quý I/2024, tình hình không mấy khả quan, từ đó thấy rằng tốc độ hồi phục của doanh nghiệp khu vực đang diễn ra khá chậm.
“Trong năm qua đơn vị đã tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội. Với mục đích thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và kết nối với các cấp chính quyền trong khu vực, VCCI miền Trung – Tây Nguyên tổ chức Hội nghị để các doanh nghiệp tìm ra cơ hội mới trong bối cảnh hiện nay”, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên nói.
Riêng với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho hay tại Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 06/10/2022 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển vùng và liên kết phát triển vùng có vai trò đặc biệt quan trọng, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Từ đây, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay năm 2023 đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong khu vực.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, các địa phương trong khu vực có thể cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, sát hợp với thực tế của Vùng để thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân, cho phát triển. Trong đó, phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
“Hội nghị hôm nay sẽ là dịp để các hiệp hội, doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ những khó khăn, thách thức trước tình hình kinh tế hiện nay cũng như trao đổi những giải pháp tháo gỡ, thích nghi và phục hồi trong bối cảnh mới. Hội nghị cũng là cơ hội để VCCI đối thoại với doanh nghiệp để xác định được các thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt để triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ kịp thời”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nói.
Nhân dịp này, VCCI Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức trao tặng Bằng khen của Chủ tịch VCCI nhằm động viên các doanh nghiệp, hội viên VCCI có kết quả kinh doanh tích cực và có nhiều đóng góp cho hoạt động của VCCI tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên trong năm 2023 và trao Chứng nhận Hội viên VCCI.
VCCI đặt mục tiêu hoạt động trong năm 2024
Trong năm 2024, VCCI miền Trung – Tây Nguyên dự kiến sẽ tập trung vào các nhóm hoạt động thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh như tổ chức các Hội thảo cải thiện nâng cao chỉ số PCI, Triển khai đánh giá DDCI. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ sở ban ngành, cấp huyện cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường góp ý các văn bản, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương do các tỉnh, thành thuộc địa bàn hoạt động. Đặc biệt, tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, Nhóm tư vấn về hội nhập và Mạng lưới tư vấn pháp luật lao động. Dự kiến cấp 10.000 bộ C/O cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phát triển 70 hội viên mới, thăm và làm việc với hơn 300 doanh nghiệp và tổ chức 02 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp khu vực. Đồng thời, tổ chức 12 hội nghị, hội thảo, tập huấn, kết nối kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tuyên truyền phổ biến các FTA thế hệ mới nhằm giúp doanh nghiệp nắm và hiểu rõ các cam kết để thực hiện, cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội, lợi ích từ thương mại quốc tế. |