Lao động mất việc, giảm giờ làm vẫn sẽ tăng
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) những tháng đầu năm gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, khi đơn hàng giảm mạnh. Kéo theo đó, tình trạng người lao động (LĐ) mất việc, giảm giờ làm cũng tăng theo. Thực tế này cần Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ DN và LĐ.
Đua nhau xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Trong báo cáo gần đây của các địa phương về tình hình LĐ, việc làm đều cho thấy bức tranh kém khả quan khi hầu hết các DN lớn thiếu đơn hàng vì suy giảm kinh tế toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các DN trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ. Nhiều DN phản ánh, đơn hàng hiện chỉ tính theo tháng, các tháng cuối năm vẫn chưa có đơn hàng.
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, trong các tháng đầu năm nay, số DN dừng hoạt động, giải thể trên địa bàn tăng hơn 20% so với cuối năm trước.
Từ cuối năm 2022 tới hết quý I, trên địa bàn có gần 10.007 người LĐ bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, hơn 3.200 LĐ bị mất việc, hơn 3.300 người hoãn hợp đồng, giảm giờ làm; chưa kể hàng chục nghìn LĐ nghỉ Tết kéo dài kết hợp với nghỉ phép năm vì doanh nghiệp thiếu việc… Cùng với việc làm giảm, không còn tăng ca, tiền hỗ trợ và phúc lợi bị cắt, nên thu nhập của người LĐ cũng giảm theo.
Hiện thu nhập bình quân người LĐ tại Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 10,5 triệu đồng/tháng, giảm 7% so với năm trước. Cũng trong 4 tháng đầu năm, tại Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 6.500 nghìn người đề nghị được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động dệt may đang đối mặt nhiều áp lực về việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Tương tự, tại Long An có hơn 20,5 nghìn người LĐ bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may. Trong đó, hơn 2.200 người bị mất việc, hơn 18,3 nghìn người giảm giờ làm, nghỉ việc không lương. Trong cùng thời gian trên, hơn 12.000 người tại Long An đã nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 160% so với quý cuối năm trước.
Sức ép với DN trong duy trì việc làm đang ngày càng tăng nhưng sức ép về tăng lương tối thiểu vùng cũng không nhỏ, nhất là khi tháng 7/2022 lương tối thiểu vùng vừa tăng. Đồng thời; từ 1/7, lương cơ sở tăng, lương hưu cũng dự kiến tăng, sẽ tạo sức ép không nhỏ lên DN. Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành các bước khảo sát, chuẩn bị họp Hội đồng Tiền lương quốc gia để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024. Nếu không tăng sẽ khó đáp ứng thực tế còn tăng thì DN lại lo sức ép duy trì việc làm quá lớn.
Trong khoảng 2.000 DN, cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu tại Đồng Nai, hiện 17% số DN không có đơn hàng phải dừng hoạt động, trên 70% số DN có đơn hàng giảm trên một nửa so với năm trước…
Do thiếu đơn hàng, gần một nửa DN gỗ ở Đồng Nai phải cắt giảm mạnh LĐ, thậm chí có gần 16% số DN chỉ giữ LĐ chủ chốt và bảo vệ.
Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho hay, trong các tháng đầu năm, các DN trên địa bàn đã cắt giảm trên 32 nghìn LĐ, giảm giờ làm của hơn 35.000 người; tạm hoãn hợp đồng với gần 1.500 người. Cùng thời gian này, có gần 10,6 nghìn người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Khu vực phía Bắc cũng không khả quan hơn, ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương cho biết, trong các tháng đầu năm, trên địa bàn có 250 DN bị giảm đơn hàng phải cắt giảm LĐ, hoặc không tái ký hợp đồng với LĐ hết hạn hợp đồng.
Trong số hơn 16.000 LĐ trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng việc làm trong 4 tháng qua, có hơn 11.300 LĐ mất việc, hơn 1.800 người phải giảm giờ làm, hơn 2.800 LĐ nghỉ việc không lương. Đa số LĐ bị cắt giảm giờ làm, mất việc đều tập trung làm trong ngành dệt may, da giày.
Tại Thanh Hóa, trong 4 tháng đầu năm có hơn 12,7 nghìn LĐ bị mất việc, giảm giờ làm. Trong đó có hơn 8.500 LĐ mất việc, hơn 2.500 LĐ giảm giờ làm. Tại Thái Nguyên, trong 4 tháng qua cũng có gần 3.800 LĐ mất việc, giảm giờ làm, chủ yếu thuộc ngành dệt may, điện tử, chế biến gỗ…
Cứu DN để duy trì việc làm
Từ nay đến cuối năm, Sở LĐ-TB&XH các địa phương cùng đánh giá, hoạt động của DN sẽ tiếp tục khó khăn, đơn hàng vẫn giảm. Điều này khiến gia tăng LĐ mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Một số DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ xuất khẩu… tiếp tục xu hướng cắt giảm LĐ, việc làm.
Dù giai đoạn trước mắt các DN chỉ giảm giờ làm, nghỉ việc không lương để giữ chân LĐ chờ đơn hàng. Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường vẫn chậm cải thiện, DN sẽ buộc phải cắt giảm LĐ số lượng lớn và thu hẹp sản xuất.
Để duy trì việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp , Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai – ông Nông Văn Dũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp về tài chính hỗ trợ DN, như: Khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, có chính sách hỗ trợ LĐ nếu mất việc gia tăng.
Tại Đồng Nai, có hơn một nửa số DN chế biến gỗ bị giảm hạn mức vay tín dụng do kết quả kinh doanh sa sút, DN đã khó khăn càng thêm khó duy trì hoạt động để giữ việc làm cho người LĐ. Do đó, các DN rất cần tháo gỡ về tín dụng, lãi suất.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả hỗ trợ DN duy trì sản xuất để tạo việc làm, như: Giảm thuế, phí, giảm lãi suất, giảm tiền thuê đất… với DN gặp khó khăn. Trong đó, ưu tiên DN trong các lĩnh vực sử dụng nhiều LĐ, như: May mặc, da giày, chế biến thủy hải sản, xây dựng… Bên cạnh đó, các bộ ngành sớm gỡ khó quy định về phòng cháy, chữa cháy trong DN, nhà xưởng, để các DN duy trì hoạt động liên tục.
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 120.000 người được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trong báo cáo mới đây gửi lãnh đạo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, nếu thời gian tới, các vấn đề kinh tế, lạm phát toàn cầu, giá năng lượng, xung đột Nga – Ukraine… không được cải thiện, nguy cơ nhiều DN sẽ cắt giảm số lượng lớn LĐ. Điều này tạo ra thách thức lớn trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người LĐ.