“Làm mới” du lịch để du khách “móc hầu bao”
6 tháng đầu năm, đã có gần 5,6 triệu du khách du quốc tế. Tín hiệu tích cực từ số lượng, nhưng thực tế, những vị khách nước ngoài khi đến Việt Nam vẫn dè dặt tiêu tiền.
Nhắc đến một trong những ngành công nghiệp “hái ra tiền” trên thế giới, có lẽ không thể không nhắc đến ngành du lịch. Thế nhưng, thực tế là nhiều năm qua, số tiền mỗi du khách quốc tế chi ra khi đi du lịch tại Việt Nam lại chưa được như kỳ vọng.
Theo số liệu từ Báo cáo thường niên du lịch 2019 (năm được xem là thời kỳ vàng của du lịch Việt Nam) của Tổng cục Du lịch, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày, bình quân 132,6 USD/ngày. Thị trường xa có chi tiêu bình quân cho chuyến đi cao hơn do lưu trú dài ngày hơn, lần lượt là Nga, Anh, Mỹ, Australia và Pháp.
Tuy nhiên nhiên nếu nhìn sang Thái Lan, những con số trên còn khá “khiêm tốn”. Theo đó, nếu như năm 2019, Việt Nam đạt con số cao nhất về lượng khách với 18 triệu lượt, chi tiêu hơn 1.000 USD/khách, thì cùng năm đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách. Đáng chú ý hơn là mức chi trả tới 2.400 – 2.500 USD/khách – tức là gấp đôi.
Cách Thái Lan “móc hầu bao” của du khách?
Nâng thời gian lưu trú cho du khách thêm 15 ngày. Đây là một trong những chiến lược của ngành du lịch Thái Lan thực hiện nhằm thu hút du khách trở lại sau dịch COVID-19.
Theo Tổng Cục du lịch Thái lan nếu mỗi du khách ở lại thêm 5 ngày so với trước và chi tiêu trung bình từ 4.000 đến 5.000 baht thì nền kinh tế nước này sẽ có thêm khoảng 20.000 baht từ mỗi chuyến đi của mỗi khách.
Với phương châm “khách hàng là thượng đế”, đến Thái Lan, du khách có rất nhiều hoạt động để trả nghiệm từ sáng đến đêm khuya và luôn sẵn lòng để chi trả. Từ trải nghiệm ẩm thực, thăm quan, nghỉ mát cho đến mua sắm, các địa điểm chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng hay các quán bar. Từ các nhà hàng sang trọng cho đến các quán ẩm thực ven đường, ở đâu du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng của Thái với giá cả phù hợp.
Được mệnh danh là thiên đường mua sắm nên khi đến Thái Lan du khách cũng có thể tìm dễ dàng thấy những mặt hàng phù hợp với nhu cầu với giá từ vài chục baht cho đến những loại hàng hiệu có giá hàng trăm triệu baht.
Khi mua hàng, du khách chỉ cần giữ lại hoá đơn và nhận lại tiền hoàn thuế tại các sân bay quốc tế một cách dễ dàng thuận tiện. Tại nhiều điểm du lịch, du khách vào cửa sẽ có dịch vụ chụp ảnh. Nếu muốn du khách có thể lấy ảnh với giá khoảng 100 baht mỗi tấm.
Trước khi dịch COVID-19, doanh thu từ du lịch đã chiếm 12% GDP của Thái Lan và tỷ lệ chi trả của du khách từ 2.400-2.500 USD mỗi ngày ,với thời gian trung bình khoảng 9 ngày. Năm nay, ngành du lịch Thái lan đặt mục tiêu thu hút khoảng 25 triệu du khách quốc tế với doanh thu đạt khoảng 68 tỷ USD và là một trong những ngành chính đóng góp vào tăng trưởng của đất nước khi lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng trưởng chậm hơn.
Đã đến lúc cần thay đổi?
Mới đây, Quốc hội đã đồng ý nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Đồng thời, khách quốc tế sẽ được nhập, xuất cảnh nhiều lần trong vòng 90 ngày. Việc kéo dài thời gian thị thực giúp du khách quốc tế ở lại lâu hơn và chi nhiều hơn.
Anh Einar – một du khách đến từ Na Uy dự định đến Việt Nam trong một tháng. Nhưng với chính sách thị thực mới, anh đang cân nhắc có thể lại lâu hơn.
“Theo kế hoạch tôi sẽ ở Việt Nam trong 1 tháng, tuy nhiên nếu lùi thời gian lưu trú, tôi có thể dành 2 tháng ở đây. Chắc là sẽ phải chi nhiều hơn, bình thường chi tiêu trong 1 ngày của tôi khoảng 20 – 50 USD”, anh Einar nói.
Để thu hút và giữ chân khách quốc tế ở lại lâu hơn, ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã chuẩn bị đa dạng các phương án như kéo dài chương trình thêm một tuần hay xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm theo yêu cầu của du khách, giúp mức chi tăng gấp hai lần so với trước.
“Những khách hàng có yêu cầu đặc biệt có mức chi trả liên quan đến chương trình tăng gấp đôi so với tour truyền thống. Chúng tôi đang ước tính doanh thu riêng đối với khách quốc tế đến Việt Nam khả năng chi trả của khách tăng trung bình khoảng 20%”, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết.
Còn theo ông Phan Chương Vũ, Trưởng Điều Hành Discova Vietnam: “Có thêm những trải nghiệm mới cho khách. Sau khoảng 3 tuần đi tour họ sẽ có thêm 1 tuần nghỉ dưỡng ở 1 resort nào đấy. Hy vọng với chính sách nới lỏng này thì khách quốc tế ở lại Việt Nam sẽ nhiều hơn, doanh thu cũng sẽ tăng”.
Theo Tổng cục Du lịch, mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20% chi tiêu của du khách quốc tế
Trong nửa cuối năm, ngành du lịch Việt Nam cần đón khoảng 2,4 triệu lượt khách quốc tế để đạt mục tiêu 8 triệu lượt trong năm nay. Do đó, ngoài chính sách từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp dịch vụ cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ và học hỏi chiến lược phát triển du lịch từ các nước có thế mạnh như Thái Lan, Malaysia, Singapore để đẩy mạnh chi tiêu từ khách du lịch quốc tế trong mùa cao điểm cuối năm nay.
Một trong những nút thắt đã được gỡ, đó là du khách giờ có thể ở lâu hơn. Việc thứ hai cần làm ngay lúc này, chính là phải có chỗ cho họ tiêu tiền. Bởi theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%. Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác.
Trong khi đó, ở các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Thế nên, đã đến lúc cần thay đổi cơ cấu này!